Ngày 1/12, GS Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, đã ký các quyết định thành lập Trường Quốc tế, Trường Quản trị và kinh doanh, trên cơ sở tổ chức lại Khoa Quốc tế, Khoa Quản trị và kinh doanh.
Trường Quốc tế - International School (VNU - IS), Trường Quản trị và kinh doanh - Hanoi School of Business and Management (VNU - HSB).
Theo quyết định, hai trường này là các đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học; tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, có con dấu và tài khoản riêng để giao dịch; được tổ chức và hoạt động theo các quy định của pháp luật có liên quan, theo quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo quy chế về tổ chức và hoạt động của trường do Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ban hành.
Như vậy, hiện nay, ĐH Quốc gia Hà Nội có 8 trường ĐH thành viên (do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập): Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giáo dục, Ngoại ngữ, Kinh tế, Việt Nhật và Y Dược. Trong đó, trường Đại học Y Dược mới được thành lập vào tháng 10/2020.
2 trường (do Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội ký quyết định thành lập), 2 khoa trực thuộc, 7 viện nghiên cứu, 2 trung tâm đào tạo và nghiên cứu, 16 đơn vị phục vụ.
Theo Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thành lập hai trường mới trên cơ sở điều chỉnh, sắp xếp phát triển các khoa trực thuộc giúp sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn lực từ lợi thế của mô hình đại học cũng như tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực về nhân sự, tài chính từ bên ngoài.
Các trường được thành lập cũng góp phần hoàn thiện mô hình đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên nền tảng phát triển các hạt nhân có năng lực thực hiện tốt các chính sách thí điểm về đào tạo, nghiên cứu khoa học, liên kết và hội nhập quốc tế, đặc biệt là có khả năng tự chủ về tài chính.