Đại biểu Quốc hội: Xâm hại trẻ em diễn ra công khai do khoác vỏ bọc văn hóa

(khoahocdoisong.vn) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, một trong những góc khuất về hành vi xâm hại vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy vì nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa, ví dụ như các chương trình game show.

Xâm hại trẻ em không chỉ là xâm hại tình dục

Tại phiên Thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, nhiều đại biểu đã cho rằng thực trạng trẻ em bị xâm hại vẫn là một vấn đề nhức nhối.

Theo Báo cáo giám sát của Quốc hội, mỗi ngày trung bình có 7 trẻ em bị xâm hại, một năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và có 84 trẻ em bị mang thai, con số đó, cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương).

Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, Bình Dương, vẫn còn có nhiều góc khuất khác về hành vi xâm hại mà một trong số đó vẫn đang diễn ra công khai, thậm chí còn được cổ súy nhưng chưa được nhìn nhận trong báo cáo giám sát lần này, vì có lẽ nó được khoác lên mình lớp vỏ bọc văn hóa.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân lấy ví dụ: Khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong Game show “Biệt tài tí hon” thì việc làm cho một đứa trẻ vừa lên 4 phải bật khóc nức nở trên sóng truyền hình vì thua người khác có phải là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em mà khoản 5 Điều 4 được định nghĩa về xâm hại trẻ em?

Từ Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon đến Chương trình Người mẫu nhí Việt Nam năm 2019, theo đại biểu Nhân, đó không đơn thuần là sự bùng nổ các game show thiếu nhi mà là sự đối đầu của các nhà sản xuất trước lợi nhuận, bất chấp những giá trị phi đạo đức

“Đã có nghiên cứu nào đong đếm những tổn hại mà các em phải gánh chịu so với những gì mà các em và gia đình nhận được sau mỗi chương trình. Các kịch bản gameshow đều hướng đến sự cạnh tranh khốc liệt với những chiêu trò nhằm thu hút người xem, mà ở đó trẻ em không khác gì những “con rối” trong tay các nhà sản xuất.

Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực, mà ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi”, đại biểu đoàn Bình Dương đặt câu hỏi.

Hoặc các tác phẩm điện ảnh mà cảnh nóng của cô bé 13 tuổi trong một bộ phim từng gây tranh cãi cũng là một điển hình cho lớp vỏ của văn hóa.

Theo đại biểu Nhân, ở nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới đã chính thức cấm các chương trình thực tế có trẻ em. Lý do là để bảo vệ các em khỏi các nguy cơ tiềm ẩn khi bất ngờ nổi tiếng và cho các em một môi trường bình thường để phát triển.

Tuy nhiên, các game show thiếu nhi ở Việt Nam vẫn chưa có điểm dừng khi cơn khát tìm kiếm lợi nhuận của nhà sản xuất và giấc mộng đổi đời từ showbiz chưa có hồi kết.

Xâm hại trẻ em không chỉ gói gọn ở xâm hại tình dục, bạo lực, mua bán, bắt cóc hay chiếm đoạt hành hạ như báo cáo đã nêu mà có cả sản phẩm tưởng chừng rất văn hóa như trên chỉ là một điển hình trong số muôn hình vạn trạng những hành vi xâm hại trẻ em,

“Chúng ta không thiếu những chương trình, đề án liên quan đến trẻ em, Luật Trẻ em, Ủy ban Quốc gia về trẻ em, những hành lang pháp lý chặt chẽ cùng những giải pháp, kiến nghị của Đoàn giám sát. Nhưng tất cả những điều đó vẫn chưa đủ nếu thiếu đi một nền tảng ý thức, sự quan tâm và yêu thương thực sự.

Trẻ dễ bị xâm hại khi gia đình không còn là tổ ấm

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng xâm hại trẻ em nhức nhối, nhiều đại biểu cho rằng, có yếu tố quan trọng, đó là gia đình.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp cho rằng, nhiều bậc cha mẹ, gia đình thiếu sự chăm sóc, quan tâm, chia sẻ vấn đề giới tính với trẻ em về kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại.

Mặt khác khi trẻ em bị xâm hại, việc đưa trẻ đi giám định hoặc đến cơ quan chức năng trình báo vụ việc chậm trễ hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe khi bị xâm hại trước khi báo cho cơ quan công an biết vụ việc. Thời gian dài cho nên mất hoặc thay đổi dấu vết bị xâm hại rất khó khăn cho công tác giám định.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho biết, đối tượng thực hiện hành vi lại chính là những người có quan hệ thân thích, ruột thịt với nạn nhân.

Cá biệt có trường hợp trẻ em em bị chính ông, cha mình xâm hại. Đây là một hiện tượng rất đáng báo động, nó đã xô ngã các giá trị đạo đức, làm phai mờ luân lý của con người mà các vụ việc chỉ được sáng tỏ khi chính những người trong cuộc lên tiếng kêu cứu hoặc can đảm đứng ra tố cáo những hành vi phạm tội.

Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đưa ra con số, theo thống kê của tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

Việc trẻ bị xâm hại trẻ từ trong chính gia đình theo đại biểu Trang sẽ dẫn tới tác hại kép đối với trẻ, khi hiện tại gây tổn thương cho chính trẻ, và ảnh hưởng lớn đến khả năng xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh của trẻ trong tương lai khi chính trẻ bị xâm hại trở thành cha, mẹ, ông, bà.

Từ những phân tích trên, các đại biểu đề nghị cần phải bổ sung, phân tích, đánh giá sâu hơn về ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực và điều kiện xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh.

Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải thì nhấn mạnh đến vai trò của người mẹ trong gia đình. Thiếu vắng sự chăm sóc của người phụ nữ, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc phải lo cơm áo gạo tiên, mưu sinh… gia đình đã không còn là một tổ ấm. Hoặc gia đình tan vỡ… Những điều đó, có thể đẩy đứa trẻ tới nguy cơ bị xâm hại. Cho nên, đây cũng là một vấn đề cần lưu tâm trong giải pháp phòng, tránh xâm hại cho trẻ.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, rất nhiều gia đình được hỏi thì trẻ em chưa biết tuổi thiếu niên là bao nhiêu, trong khi kinh phí tuyên truyền, tủ sách pháp luật ở cơ sở nơi nào cũng có. Chứng tỏ công tác truyền thông chưa đến đích. Thậm chí, hiện nay trong chương trình thời sự 19 giờ, giờ vàng lại dành riêng cho chương trình quảng cáo, không có chương trình của thiếu nhi.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top