Ngành giáo dục có yêu cầu rất cao
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ảnh: Mai Loan. |
Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, đại biểu Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ, ông cũng còn có những băn khoăn về một số tư lệnh ngành.
Bởi tư lệnh ngành rất quan trọng. Thứ nhất là phải hiểu rất sâu về ngành mà mình quản lý, thứ hai phải có sự quyết liệt, và thứ ba, điều rất quan trọng, đó là phải biết lắng nghe để điều chỉnh chính sách để ngành đó phát triển.
"Ngành giáo dục là một ví dụ. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không phải là người không có năng lực, là một giáo sư, từng làm Giám đốc Đại học Quốc gia… nhưng yêu cầu của ngành giáo dục rất cao, là một ngành phát triển tri thức cao của nhân loại. Cho nên, những người kế nhiệm sẽ có rất nhiều thách thức. Kể cả tân Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn rất giỏi, nhưng ngồi vào ghế trưởng ngành giáo dục hiện nay, theo tôi, đó là một thách thức", ông Lợi nói.
Ông Lợi chia sẻ, ông tin các tư lệnh ngành mà Quốc hội bầu sẽ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhưng việc các tư lệnh ngành có quyết liệt để thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri hay không thì cũng còn phải chờ đợi.
Tân bộ trưởng cần chú ý đặc biệt tới công tác quản lý
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên, Huế) cho rằng, có thể nói, Bộ GD&ĐT là một “bộ khó”, với rất nhiều lĩnh vực, “đụng chạm” nhiều tới các đối tượng, từ phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo…
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa. Ảnh: Mai Loan. |
Đối với bộ trưởng mới, là một Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có những kinh nghiệm nhất định trong lĩnh vực giáo dục, có trình độ, năng lực. Tuy nhiên, tân bộ trưởng phải đặc biệt chú ý tới công tác quản lý.
Cụ thể, thứ nhất, cần phải đánh giá những mặt đạt được, những gì chưa đạt được, cần phải rút kinh nghiệm những hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thứ hai, phải phát huy hết được vai trò đội ngũ thứ trưởng, các vụ, cục, các sở và cả các chuyên gia.
Ông Nghĩa cho biết, vấn đề mà ông đặc biệt quan tâm, mong muốn tân Bộ trưởng làm được trong nhiệm kỳ mới là chú ý tới đội ngũ giáo viên các cấp. Thứ hai, là vấn đề sách giáo khoa. Thứ ba, là chú trọng đến vấn đề dạy đạo đức cho học sinh.
Theo đó, nhà trường phải vừa là nơi dạy kiến thức, vừa giáo dục đạo đức cho học sinh. Làm được điều đó, chúng ta sẽ có một đội ngũ kế cận vừa có năng lực, lại vừa có phẩm chất đạo đức tốt.
Và điều cuối cùng là vấn đề thi cử, phải có định hướng, trong đó có cả việc công bố môn thi, cho dù là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng phải được công bố sớm, tránh “đánh đố” học sinh…
Còn rất nhiều vấn đề, làm thế nào cho phù hợp với điều kiện của chúng ta, nhưng cũng nên có sự học tập các nước trong khu vực và trên thế giới để ngành giáo dục đạt được những kết quả tốt hơn.
Theo Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau), thách thức đặt ra đối với tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không nằm ngoài 3 yêu cầu chung, đó là: Khởi xướng chính sách; thuyết phục chính sách và thực thi chính sách. Bộ trưởng phải là người thuyết trình được trước cơ quan có thẩm quyền về các chính sách mà mình khởi xướng, và được giám sát trong suốt nhiệm kỳ.
Ngồi "ghế nóng" buộc phải chấp nhận áp lực
Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) chia sẻ, khi bấm nút cũng như bỏ phiếu cho các thành viên Chính phủ của nhiệm kỳ tiếp theo bà rất mong Chính phủ cũng như các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian quan tâm đến công tác giáo dục.
Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên). Ảnh: Mai Loan. |
Đối với ngành giáo dục đào tạo, bản thân bà cũng còn rất nhiều trăn trở, tâm tư muốn gửi gắm đến các thành viên Chính phủ mới cũng như Bộ GD&ĐT.
Điều đầu tiên, bà và các cử tri mong muốn sẽ được nhìn thấy một nền giáo dục của Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Đó là việc đảm bảo được các nhu cầu của người học và lực lượng giảng dạy; Quan tâm đến việc điều chỉnh các chính sách dành cho lực lượng giáo viên từ cấp tiểu học cho đến đại học
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tới giáo viên cấp mầm non và cấp phổ thông. Bởi họ là đối tượng tương đối chịu nhiều thiệt thòi, áp lực khi chịu sức ép từ nhiều phía, đặc biệt là dư luận xã hội. Cho nên, chúng ta cần phải có những chính sách thật sự thấu đáo, nhân văn, đáp ứng được mong mỏi được làm nghề của họ để họ được cống hiến hết mình.
Theo bà Hiền, khi giáo viên cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục thì ngành giáo dục chắc chắn sẽ ngày càng phát triển.
Mong muốn tiếp theo là ngành giáo dục phải có những giải pháp thật sự hiệu quả để làm sao xây dựng được môi trường học đường an toàn, thân thiện, lành mạnh và phát huy được nhân tố con người, lấy người học làm trung tâm.
Việc trao quyền và sáng tạo của học sinh phải được phát huy, ghi nhận tốt hơn và để khai phóng sức mạnh nội lực của các em học sinh. Chính từ việc giáo dục cho các em nhận biết mình là ai, mong muốn điều gì ở xã hội trong gia đình và chính bản thân mình thì các em sẽ có những cống hiến, trở thành các công dân ưu tú và xuất sắc.
Mong muốn thứ ba, là phải xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông thực sự đa dạng, có chiều sâu, tương thích với các vùng miền để làm sao ở từng vùng miền, từng địa phương, mọi đối tượng ngưòi học sẽ có thể phát huy được sức mạnh, tinh thần học tập của mình.
Theo bà Hiền, áp lực của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rất lớn, cũng như một số một số “ghế nóng” khác như y tế, giao thông… Tuy nhiên, khi ngồi vào “ghế nóng” thì Bộ trưởng phải chấp nhận áp lực. Hy vọng Bộ trưởng mới sẽ biết cách vượt qua áp lực, hiểu được mình cần làm gì. Cũng không nên đặt quá nặng vào áp lực, rồi chỉ chạy theo giải quyết những vấn đề nhỏ. Mà quan trọng, bộ trưởng phải thấy những điểm nào còn yếu, cần cải cách của ngành mình để hành động. Đó mới là điều quan trọng đối với một tư lệnh ngành.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn sinh năm 1966 tại xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng. Ông tốt nghiệp cử nhân Ngữ văn năm 1990 tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau đó ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn và trải qua nhiều vị trí công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trước khi trở thành Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội vào tháng 6/2016.