Đại biểu Quốc hội nói về đổi mới giáo dục: Giáo viên mới là yếu tố quyết định thành công

(khoahocdoisong.vn) - Để việc đổi mới giáo dục phổ thông có kết quả tốt đẹp thì đừng “loay hoay” quá nhiều ở câu chuyện chương trình và SGK, mà hãy quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo, đây mới là yếu tố quyết định thành công - đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Giáo viên – yếu tố quyết định thành công đổi mới giáo dục

Trao đổi với phóng viên về những trăn trở của mình đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, khi nói về những khó khăn trong đổi mới giáo dục phổ thông, dư luận đang lo lắng nhiều về chất lượng chương trình và sách giáo khoa, cũng có người băn khoăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị, nhưng bà lại quan tâm nhiều hơn tới yếu tố nguồn nhân lực, tức là đội ngũ nhà giáo.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Mai Loan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Mai Loan.

Lý do là vì, sách giáo khoa quan trọng, nhưng cũng chỉ là tư liệu; và trong không gian tri thức mở như hiện nay, kiến thức trong sách giáo khoa không phải là nguồn tư liệu duy nhất, chỉ cần được hướng dẫn phương pháp người học sẽ có nhiều nguồn để tìm.

Yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị có tác động không nhỏ tới chất lượng dạy học, nhưng với sự linh hoạt, sáng tạo của người dạy, yếu tố này cũng có thể được khắc phục.

Chỉ riêng yếu tố người thầy là không thể thay thế; đồng nghĩa với vai trò quan trọng, thậm chí có tính chất quyết định đối với thành công của hoạt động dạy học.

Theo đó, giáo viên không chỉ truyền thụ kiến thức, không chỉ là người thiết kế để trò thi công, mà quan trọng hơn, phải là người truyền cảm hứng đến người học.

Đây là yêu cầu khó, bởi kiến thức của người thầy sẽ tích luỹ được thông qua quá trình trau dồi chuyên môn, tích luỹ từ vốn sống, sách vở, sự trao truyền của người đi trước; phương pháp dạy học và khả năng thiết kế của người thầy sẽ có được thông qua sự nỗ lực  rèn luyện kỹ năng sư phạm; nhưng cảm hứng của người thầy chỉ có thể hình thành từ tâm huyết đối với nghề dạy học, từ tình yêu nghề, mến trẻ và khát khao cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, người giáo viên lại có nhiều áp lực, dẫn tới nhiều người chán nghề, không còn thiết tha với nghề.

Cụ thể, chương trình GDPT mới được triển khai trong điều kiện đội ngũ nhà giáo bắt đầu lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Như vậy, cùng lúc, nhà giáo vừa phải thực hiện việc tinh giản biên chế trong bối cảnh câu chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ chưa có hồi kết; vừa phải học bổ sung nâng chuẩn đào tạo lại vừa tham gia bồi dưỡng chương trình thay sách theo lộ trình. Bên cạnh đó, còn nhiều áp lực từ câu chuyện đạo đức học đường xuống cấp, kỳ vọng của xã hội và gia đình về thành tích giáo dục ngày càng tăng; nhu cầu cuộc sống và những cám dỗ vật chất có thể kéo nhà giáo chệch ra khỏi phép tắc mô phạm bất cứ lúc nào…

“Từ những băn khoăn ấy, tôi cho rằng để có được những kết quả tốt đẹp từ việc đổi mới GDPT, xin đừng loay hoay quá nhiều ở câu chuyện chương trình và SGK, mà hãy dành nhiều hơn sự quan tâm đối với việc xây dựng đội ngũ nhà giáo. Cần trao quyền tự chủ và tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà giáo có thể vào vai người trao kiến thức, thiết kế hoạt động dạy học và truyền cảm hứng cho trò. Đó cũng là động lực để nhà giáo thành công trong sự nghiệp trồng người”, bà Mai Hoa đề xuất.

Những trường đào tạo giáo viên phải đi đầu đổi mới

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ từng nhắn nhủ các nhà trường, các Sở GD&ĐT cần chú ý tạo động lực, truyền cảm hứng cho giáo viên khi thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, việc truyền cảm hứng cho giáo viên hiện nay rất khó.

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: Mai Loan

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: Mai Loan

Muốn truyền cảm hứng cho giáo viên trước tiên chú ý tới những chính sách, chế độ cơ chế dành cho giáo viên. Phải làm sao để giáo viên cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình. Hiện nay, giáo viên có quá nhiều áp lực, áp lực từ học sinh, phụ huynh, từ chương trình, từ mạng xã hội… rất nhiều phía. Trong khi đó, thu nhập từ lương lại chưa đủ để giải tỏa áp lực đó, cho nên, muốn tạo động lực cho giáo viên thì phải thay đổi nhiều thứ.

Thực tế, vẫn còn có những giáo viên rất tâm huyết với nghề. Ví dụ, như lớp học của cô giáo “vươn ra từ vườn chuối” Hà Ánh Phượng (Thanh Sơn, Phú Thọ), thì cần khích lệ, tạo điều kiện để những tâm huyết như thế được nhân lên trong ngành giáo dục.

Đồng quan điểm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, giáo viên chính là yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Và để có được đội ngũ giáo viên tốt, cần phải quan tâm tới chất lượng đầu vào của các trường sư phạm.

 “Tôi cho rằng, giáo viên vẫn là một nghề đặc thù, cần tuyển chọn kỹ lưỡng. Nhưng thời gian vừa qua, do nhiều lý do, mà chất lượng đầu vào ngành sư phạm chưa cao. Cần phải có sự sàng lọc lại, thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Và điều này rất quan trọng. Bởi, một quốc gia muốn phát triển, thì phải đi lên từ giáo dục. Và cái gốc của giáo dục, vẫn là giáo viên. Để có được điều này thì các trường đào tạo sư phạm phải là những trường đi đầu đổi mới. Và vấn đề về chất lượng đội ngũ giảng viên tại các trường sư phạm cũng cần được quan tâm. Nói như vậy, không phải là thay đổi ngay được, có thể phải 5 - 10 năm sau, phải có một quá trình. Nhưng nhất định phải thay đổi”, bà Mai nói.

Hiện nay, đã có chính sách khuyến khích người giỏi vào sư phạm, điều đó sẽ tạo động lực để nghề giáo dần lấy lại vị thế xứng đáng của mình. Khi giáo viên ý thức được nghề giáo là một nghề cao quý, được xã hội tôn trọng, và những chính sách dành cho giáo viên giúp họ giữ vững được nhiệt huyết, ý thức tự hào về nghề, thì giáo dục mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra.

Bà Mai cho biết, tại Trà Vinh, việc tập huấn chương trình mới bằng nhiều hình thức. Bắt đầu là từ các cán bộ quản lý, giáo viên để họ nắm vững chương trình. Sau đó, tổ chức cho giáo viên tập huấn theo khối, môn, theo từng đợt, theo lộ trình chung. Khi tập huấn có đội ngũ cốt cán của tỉnh hỗ trợ theo nhóm, từ 10 - 20 giáo viên tùy theo địa bàn. Khi giáo viên có khó khăn vướng mắc có thể trao đổi qua mạng hoặc trực tiếp. Lúc đầu, cũng có những khó khăn, nhưng cho đến thời điểm này tương đổi ổn. Tuy nhiên, theo bà, việc tập huấn cũng chỉ quyết định khoảng 30% thành công, còn lại 70% phụ thuộc vào nhiệt huyết, lòng yêu nghề của giáo viên, họ có muốn thay đổi, sáng tạo hay không. Yếu tố giáo viên rất quan trọng.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top