Đại biểu Quốc hội: Cần đảm bảo quyền người học trong những chính sách về giáo dục

(khoahocdoisong.vn) - Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, cần đảm bảo quyền của trẻ em, của người học và lực lượng giáo viên khi ban hành, thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo,

Xin đừng xem trách nhiệm là trái bóng

Trong bài phát biểu của mình tại phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên) đặc biệt quan tâm tới vấn đề chính sách.

Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên).

Đại biểu Phạm Minh Hiền (Phú Yên).

Đại biểu Hiền cho rằng, Chính phủ cần cương quyết xóa bỏ những lối mòn về tư duy hay tránh xa những vết xe đổ trong điều hành quản lý, muốn kiến tạo tương lai thì không thể ẩn mình an toàn trong các lỗ hổng chính sách đã cũ, đã hỏng và không còn phù hợp

“Điều thứ hai mà tôi muốn nói, muốn gởi gắm đến các vị Đại biểu Quốc hội khóa 15 và đặt niềm tin vào Chính phủ nhiệm kỳ tới đó chính là công tác giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em, của người học và lực lượng giáo viên khi ban hành, thực thi chính sách pháp luật trong lĩnh vực giáo dục & đào tạo”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, sự cố xã hội hóa về sách giáo khoa trong năm vừa qua là một câu chuyện cay đắng rất đáng phải quên đi, nhưng đó lại là bài học kinh nghiệm xương máu cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách. Thế nhưng, trong khi câu chuyện xử lý trách nhiệm, xử lý lỗi sai của các bộ sách vẫn chưa được rõ ràng minh bạch thì đến những ngày gần đây dư luận lại có thêm những bức xúc mới, lo lắng mới liên quan đến chính sách nâng hạng dành cho giáo viên, về sự hợp nhất không rõ ràng của hai bộ SGK, về sự nhập nhằng trong giá sách.

Có không ít giáo viên, phụ huynh học sinh vẫn mang nhiều tâm tư trăn trở gửi đến bà ở kỳ họp cuối cùng này, họ lo lắng rất nhiều, họ chờ đợi một phương hướng xử lý thật mạch lạc, một thái độ tôn trọng đối với những người đang chịu tác động về các quy định liên quan của ngành Giáo dục.

Để có niềm tin, chúng ta có quyền đặt câu hỏi nghi vấn hướng đến sự minh bạch, Quốc hội chất vấn thì Bộ trưởng, Chính phủ trả lời. Trả lời nghĩa là nói, nói phải đi đôi với làm. Xin đừng để cử tri chờ quá lâu, chờ từ nhiệm kỳ này sang đến nhiệm kỳ khác.

Theo bà Hiền, mỗi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi được ban hành ngoài việc luôn cần một triết lý đúng đắn, mang hơi thở cuộc sống, xuất phát từ con người, vì con người. Và đến thời điểm hiện tại, cũng cần phải tăng thêm sức nặng của kỷ cương phép nước, của kỷ luật quốc gia. Không nên xem trách nhiệm là trái bóng và việc xử lý trách nhiệm như một trận đấu không hồi kết.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Minh Hiền chia sẻ, cá nhân bà cho rằng, những lỗi sai xuất hiện trong những bộ sách giáo khoa vừa rồi không phải là “sạn” mà đó là những lỗi sai rất nghiêm trọng. Bà đã nhiều lần góp ý kiến tại hội trường và trên báo chí về nội dung này.

Trước khi đi họp kỳ cuối nhiệm kỳ này, bà vẫn nhận được thư của giáo viên và học sinh liên quan đến sách giáo khoa. Và hiện nay, có thêm một băn khoăn mới, đó là liên quan đến giá sách, sự hợp nhất các bộ sách. Từ 5 bộ sách giáo khoa, bây giờ xuống còn 3 bộ. Vì sao lại như vậy? Có rất nhiều những lo lắng, băn khoăn chưa được giải quyết rõ ràng.

“Tôi thấy rằng, cách làm hiện nay phải chăng đang đi ngược lại chủ trương của nghị quyết 88, cụ thể là về xã hội hóa sách giáo khoa?

Điều này, kỳ Quốc hội sau phải có sự rà soát, giám sát chặt chẽ về cách làm, cũng như làm rõ trách nhiệm ở khâu nào, bộ ngành nào, bộ phận nào đã làm sai hoặc làm ẩu thì phải có sự chấn chỉnh, thay đổi,

Chứ không thể để nghị quyết 88 từ khóa 13 sang khóa 14 vẫn rất lưng chừng, cách làm chậm trễ, đến khi đạt được rồi lại sai sót, kéo sang khóa 15. Như vậy, một chủ trương mà kéo qua 3 nhiệm kỳ thì đó là một câu hỏi cần được đặt ra và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu và của bộ ngành”, ĐB Phạm Minh Hiền chia sẻ.

Quá tập trung phát triển kinh tế, chưa chú trọng giáo dục đạo đức

Trong bài phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhấn mạnh tới vấn đề giáo dục đạo đức cho giới trẻ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: TTXVN.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). Ảnh: TTXVN.

Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, các báo cáo thống kê cho thấy, các vụ phạm pháp còn tăng theo thời gian, nhiều vụ án hình sự có tính chất phức tạp, chưa từng xảy ra về mức độ đạo đức khiến cho cử tri không khỏi lo lắng với câu hỏi liệu xã hội nngày càng bất ổn hay không?

“Trong khi chúng ta đều khẳng định đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ đẹp như hôm nay. Kinh tế phát triển mà đạo đức suy đồi là điều không ai mong muốn. Phải chăng nghiệp vụ điều tra truy tố của chúng ta tốt hơn nhiều khiến nhiều vụ án được phát hiện mà trước đây bỏ sót, hay vì khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng - như Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi vừa phát biểu, khiến nhiều người bị dồn đến đường cùng phải vi phạm pháp luật? Nhưng theo tôi, lý do chủ yếu là chúng ta đã quá tập trung vào phát triển kinh tế mà chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, đặc biệt là cho thế hệ trẻ”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói.

Theo Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, giáo dục là một lĩnh vực mà chúng ta luôn nói là nhiệm vụ hàng đầu nhưng kết quả của ngành giáo dục lại là điểm kém nhất trong bức tranh toàn cảnh của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021.

Nhìn vào thực tế này, ông Hiếu rất mong chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ tập trung hơn nữa vào lĩnh vực Giáo giục, Y tế - hai trụ cột của an sinh xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững, người dân sẽ có cuộc sống ấm no – hạnh phúc và mạnh khoẻ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu là người từng có những phát biểu rất thẳng thắn, mạnh mẽ trước nghị trường về những vấn đề liên quan tới giáo dục.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề sách giáo khoa, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, cần một cách làm mới, tránh rơi vào vết xe đổ, thất bại như nhiều lần trước.

Làm giáo dục cũng cần làm một cách khoa học. Việc tô vẽ cho màu sắc đẹp hơn, giấy tốt hơn mà không đi đúng bản chất vấn đề, không biết cái gì là cần và đủ, không làm một cách khoa học thì việc thay đổi vẫn đơn thuần là thay thế và chắp vá hình thức.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top