Chủ trương đúng, nhưng cách làm lúng túng
Vừa rồi trên diễn đàn Quốc hội, ông đã có những phát biểu rất thẳng thắn về sách giáo khoa. Ông có thể nói rõ hơn về việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này?
Theo tôi, đổi mới chương trình, sách giáo khoa là một chủ trương đúng. Xã hội đã có nhiều thay đổi, sách giáo khoa cũng đã lâu năm rồi, cần phải cập nhật những kiến thức mới cho trẻ. Tuy nhiên, cách làm thì không ổn. Nếu chúng ta tiếp tục triển khai thì cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc và thay đổi. Còn nếu vẫn theo cách làm cũ thì tôi cho rằng sẽ lại giống như lần làm sách giáo khoa năm 2000, lại rơi vào vết xe đổ, thất bại.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang). |
Cụ thể, cách làm không ổn là như thế nào, thưa ông?
Thứ nhất, Bộ GD&ĐT không thể mời được chuyên gia làm sách giáo khoa. Cả hai lần đấu thầu đều bất thành. Thứ hai, việc thẩm định sách cũng đã hé lộ nhiều bất cập.
Những người có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT và Hội đồng thẩm định đều khẳng định, các cuốn sách được thông qua đều đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, thực tế, những cuốn sách này chưa được dạy thử nghiệm đủ để đảm bảo an toàn khi đưa vào dạy đại trà.
Trước đây, tôi cũng đã phát biểu rất rõ ràng về việc cần phải rất cẩn thận khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới, vì liên quan đến giáo dục tiểu học, nhất là với lớp Một. Và rồi, trong những ngày vừa qua, chính Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cũng như Chủ biên sách tiếng Việt 1 – Cánh Diều đã phải thừa nhận là quyển sách có nhiều sạn, lỗi và cần phải thay những nội dung chưa phù hợp.
Tất cả những điều đó cho thấy sự lúng túng trong tổ chức triển khai và thực hiện. Ngoài ra, chính những phản hồi của các thầy cô giáo cũng như của các em học sinh trên rất nhiều phương tiện thông tin về quyển sách này đều chỉ ra điều đó.
Cần có một cơ quan khảo sát độc lập về sách giáo khoa
Có quan điểm cho rằng, nhiều phản hồi, ý kiến trên mạng về sách Tiếng Việt 1, Cánh Diều không khách quan, định kiến, thậm chí có ý đồ xấu, không phản ánh đúng suy nghĩ của giáo viên, thưa ông?
Tôi là một bác sĩ, một người làm khoa học, đồng thời cũng là một giáo viên, tôi luôn tin vào khoa học thực nghiệm. Tôi cho rằng, tất cả những phản ánh, nhận xét cần phải làm các khảo sát, nghiên cứu, thăm dò khảo sát chính thức. Tuy nhiên, không phải do cơ quan chủ quản làm. Thậm chí báo chí cũng có thể đứng ra khảo sát, tức là những cơ quan độc lập làm thì sẽ khách quan hơn.
Tôi lấy ví dụ, các Sở, Phòng giáo dục – cơ quan quản lý trực tiếp, mà xuống các trường hỏi ý kiến các cô giáo là sách này có tốt không. Vậy thì, ở địa vị giáo viên sẽ trả lời thế nào?
Các ý kiến trên mạng đương nhiên không phải là căn cứ để đánh giá, nhưng cũng có thể coi đó là một kênh thông tin tham khảo, để kịp thời phát hiện những sai sót.
Tức là theo ông, cần phải có cách làm khách quan hơn?
Theo tôi, Bộ cần có cách làm khác. Vì nếu vẫn như cách Bộ đã làm rất nhiều năm rồi, thì cách làm lần này sẽ dễ đi theo vết xe đổ của lần triển khai sách giáo khoa năm 2000.
Hiện tại, việc triển khai mới bắt đầu ở năm đầu tiên, chính vì vậy, tôi cho rằng rất cần thiết phải có những nghiên cứu khách quan, tổng kết lại. Cứ coi như chúng ta chấp nhận đây là giai đoạn thử nghiệm diện rộng và giờ phải có đánh giá, xem hạn chế và sai sót ở đâu để thay đổi.
Đối với bộ sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều, theo ông cần thu hồi, hoặc thu hồi để sửa chữa cẩn thận, hay làm như cách của Bộ GD&ĐT hiện nay?
Khi tôi nêu những ý kiến trên diễn đàn, thì đó là ý kiến của các nhà chuyên môn. Tôi chỉ là người đại diện cho cử tri, đưa các ý kiến đó ra, để những nhà lập pháp, nhà quản lý suy nghĩ. Còn đánh giá sách tốt hay xấu, sai hay đúng thì tôi không có chức năng này.
Và tôi cho rằng, dư luận xã hội cũng chỉ có thể nhận xét, còn kết luận hãy để cho các nhà chuyên môn lên tiếng. Và Bộ GD&ĐT cần phải lắng nghe ý kiến của các nhà chuyên môn trong những quyết định liên quan tới sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều.
Làm giáo dục là làm khoa học
Báo KH&ĐS cũng đã lấy ý kiến của một số nhà chuyên môn có uy tín về sách Tiếng Việt 1 – Cánh Diều. Theo đó, nhiều nội dung trong sách đã “sai cơ bản”, phải thu hồi để sửa chữa cẩn thận, chứ không phải để học sinh vừa học vừa sửa theo kiểu chắp vá. Tuy nhiên, về phía Bộ GD&ĐT khẳng định, đó chỉ là những nội dung “chưa phù hợp”, sẽ sửa, nhưng học sinh vẫn tiếp tục học khi chờ sửa. Vậy, cần có một tiêu chuẩn nào cho việc đánh giá này, thưa ông?
Theo tôi, quan trọng nhất là những nhà khoa học khi nói phải có bằng chứng, và khi những nhà khoa học đã có bằng chứng, họ được số đông thống nhất, ủng hộ thì những nhà quản lý phải lắng nghe.
Tôi lấy ví dụ, trong ngành y có khoa học bằng chứng, người ta sẽ dựa vào 3 mức độ. Trong đó, mức cao nhất là dựa vào những nghiên cứu đã được thử nghiệm ngẫu nhiên trên thực tế. Sau đó, người ta tổng kết lại những nghiên cứu đó, trộn tất cả những cái ngẫu nhiên vào, rồi tìm ra mẫu số chung.
Mức bằng chứng thứ hai là nghiên cứu ở một trung tâm không có ngẫu nhiên.
Mức bằng chứng thứ ba, thấp nhất, đó là ý kiến của một chuyên gia.
Như vậy, có thể hiểu, nếu một chuyên gia đưa ra ý kiến, đó mới chỉ là ở mức thứ ba, và chưa chắc đã đúng. Một nhóm tác giả làm nghiên cứu cũng chưa chắc đã hoàn toàn đúng, và chỉ ở mức thứ hai. Phải gồm ý kiến của các nhà chuyên môn, ở nhiều vị trí, địa phương… cùng đồng nhất, mới là mức bằng chứng tin cậy nhất. Và quan trọng nhất là thời gian nghiên cứu. Càng kéo dài bao nhiêu thì kết luận nghiên cứu càng chính xác bấy nhiêu.
Làm giáo dục cũng cần làm một cách khoa học. Việc tô vẽ cho màu sắc đẹp hơn, giấy tốt hơn mà không đi đúng bản chất vấn đề, không biết cái gì là cần và đủ, không làm một cách khoa học thì việc thay đổi vẫn đơn thuần là thay thế và chắp vá hình thức.
Lần đổi mới này, sách giáo khoa không còn là "pháp lệnh", chỉ là tài liệu thể hiện chương trình. Từ đó, có ý kiến cho rằng, chương trình mới là quan trọng, chứ không phải sách giáo khoa?
Trong ngành y chúng tôi, một phương pháp mổ đã được khẳng định, nghiên cứu, mỗi bác sĩ sẽ có cách tiếp cận khác nhau, cách mổ khác nhau, nhưng cuối cùng phải đến cùng một đích.
Vậy thì lý thuyết về phương pháp mổ quan trọng hay ông bác sĩ cầm dao mổ quan trọng? Theo tôi thì cả hai đều quan trọng. Và cái nhìn thấy, đập vào mắt bệnh nhân là ông bác sĩ, chứ không phải phương pháp mà ông bác sĩ đã học.
Cũng giống như vậy, cử tri, phụ huynh đâu có biết chương trình là gì, mà đập vào mắt họ chính là quyển sách giáo khoa.
Theo tôi, không nên tranh cãi xem cái nào quan trọng hơn. Mà phải hiểu rằng, cái nào cũng phải đúng, phải chuẩn mực. Và từ cái đúng thứ nhất thì sẽ dẫn tới cái đúng thứ hai, từ cái đúng thứ hai lại quay trở lại cái thứ nhất đúng, đó mới là khoa học.
Theo ông, điều quan trọng nhất để đổi mới thành công là gì?
Tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là lĩnh vực chuyên môn. Chúng ta không thể duy ý chí, không thể lấy ý tưởng của một nhóm người, đặc biệt là những người không có chuyên môn giáo dục cho trẻ em để làm sách.
Trong trường hợp này, dù có tâm huyết, cũng chưa chắc đạt được kết quả mong muốn. Cần phải dựa vào những nhà khoa học giáo dục có đầy đủ trình độ và kinh nghiệm về tâm lý học trẻ em và nghiệp vụ sư phạm, thực hiện đúng các quy trình đã thực hiện trên thế giới, thì chúng ta sẽ có những quyển sách giáo khoa khác hoàn toàn, phù hợp với học sinh, phù hợp với thời đại.
Trân trọng cảm ơn ông!
Về trả lời chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ liên quan đến số tiền làm sách giáo khoa, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Bộ trưởng Nhạ đã không hiểu ý câu hỏi của ông. Câu hỏi mà ông muốn hỏi Bộ trưởng ở đây là sao trước khi Nghị quyết 88 được trình, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Thủ tướng ra quyết định là dự khái toán số tiền để chuẩn bị cho chương trình mới là khoảng gần 500 tỷ. Sau đó, ngay sau khi Quốc hội kết thúc thì số tiền lại được tăng lên đến hàng trăm triệu đô la. Do đó, ông muốn hỏi Bộ trưởng là cơ sở nào Bộ làm việc đó, liệu có phải chúng ta cứ xin mà chưa có khả năng, phương án cho việc sử dụng? Việc Bộ trưởng nói đã trả lại 16,5 triệu USD, đứng trên phương diện chủ ngành thì phải rút kinh nghiệm. Một là xin ít tiền đi, hoặc là phải chi tiết những khoản tiền đã xin để thực hiện được.
Giống như hiện nay, Thủ tướng đang rất phê phán các tỉnh đã không giải ngân được đầu tư công. Thì đây là một dạng đầu tư công cực kỳ quan trọng, đó là đầu tư công vào giáo dục, tri thức, con người. Việc không dùng hết, trả lại không thể coi là thành tích, tiết kiệm, mà cần rút kinh nghiệm. Làm sao để giáo viên được tập huấn tốt, để sách giáo khoa tốt lên, đó mới là giá trị, chứ không phải tiết kiệm.