Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Tìm kiếm đối tác, chiến hữu cũng qua bàn nhậu, thật buồn!

(khoahocdoisong.vn) - "Tìm kiếm đối tác cũng qua bàn nhậu, bạn bè phải nhậu cũng mới được coi là chiến hữu… Xã hội phát triển có biết bao việc để làm mà cứ say sưa, thật buồn", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) chia sẻ quan điểm về dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia.

Thật đáng buồn cho ai có chồng tối ngày nhậu nhẹt

Thưa bà, dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia đang nhận được sự quan tâm, vì Việt Nam được xếp vào một “cường quốc sử dụng rượu bia”, đứng thứ 29 trên thế giới. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Rượu bia thì có cái tác dụng gây nghiện. Ban đầu uống ít, nhưng dần dần quen rồi sẽ tăng liều. Tôi thấy hiện nay có hiện tượng là nhiều người bản thân họ cũng không muốn uống rượu bia, nhưng phải uống vì bị ép.

Bạn để ý mà xem, cứ vô chiếu nhậu, chỉ một lát lại có người cầm cốc lên chúc rồi ép. Uống gì mà uống lắm thế! Như vậy, dần dần mỗi người sẽ tăng liều uống của mình lên.

Nó dường như là một thứ văn hóa, thưa bà?

Đúng thế, có thể gọi đó là thứ văn hóa nhậu nhẹt. Tìm kiếm đối tác cũng qua bàn nhậu, bạn bè, anh em chiến hữu cũng cứ phải ra bàn nhậu. Rồi ở quê, cỗ bàn linh đình chiếu trên chiếu dưới… Ai mà không uống thì sẽ bị kỳ thị, xa lánh, bị cho là không nhiệt tình, hết mình. Có những người lái xe, không được sử dụng rượu bia thì cũng vẫn cứ uống.

Xã hội phát triển, có biết bao nhiêu việc cần phải làm, vậy mà cứ tối ngày say xỉn, thật đáng buồn.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ bên hành lang Quốc hội.

Và  thực tế, cũng có biết bao gia đình, hạnh phúc cũng rạn vỡ chỉ vì chuyện nhậu nhẹt?

Tôi nói ý này có thể hơi khác một chút, là chúng ta cứ trách phụ nữ miền Tây vì sao cứ đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan. Nhưng những người đàn ông giỏi, thường họ đã đi nơi khác lập nghiệp hết rồi. Ở nhà còn lại những anh (tất nhiên không phải là tất cả) tối say chiều xỉn, rồi lại lôi vợ ra đánh thì họ làm sao mà làm chồng cho được.

Và nói chung, tôi cho rằng, sẽ thật đáng buồn cho người vợ nào có chồng suốt ngày nhậu nhẹt, say xỉn.

GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho rằng, tên gọi của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia mà ban soạn thảo trình là “rất kinh khủng”. Vì theo ông Trí, nếu gọi như Dự thảo luật chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại. Theo GS Trí, nên lấy tên luật là “Luật Kiểm soát các chất có cồn”. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị đổi thành “Luật Kiểm soát rượu, bia” thay vì “Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia” như dự thảo. Vì theo bà Lan, dự án Luật này mục đích cuối cùng là để kiểm soát việc sử dụng rượu bia, đổi tên như vậy theo bà Lan sẽ phù hợp với mục tiêu hơn.

Thay đổi văn hóa nhậu nhẹt

Khi luật phòng, chống tác hại rượu, bia ra đời, bà có nghĩ rằng sẽ hạn chế được những điều đáng buồn như bà vừa nói?

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất vẫn là làm sao đưa được vào trong đầu người dân ý thức về sức khỏe. Thực tế, các nước mà uống nhiều bia rượu, tuổi thọ người dân rất là thấp. Một người uống nhiều rượu, đến khoảng 50, 60 tuổi là đã thấy những ảnh hưởng rõ rệt về sức khỏe. Đặc biệt là lá gan bị tàn phá.

Và cho họ thấy rằng, tìm đến men rượu là biểu hiện của một con người thất bại, yếu đuối. Chứ không phải là như các quảng cáo hiện nay, thì uống rượu, bia sẽ thể hiện bản lĩnh, phong cách của đàn ông, phái mạnh.

Nhưng khi đã liên quan tới văn hóa, thì điều này có khó không, thưa bà?

Tôi nghĩ là khó, vì nó đã bám rễ, ăn sâu vào “máu” rồi. Nhưng nếu muốn, không có gì là không thể làm được. Ví dụ ngày xưa, trong phim, thấy các tài tử tay luôn cầm điếu thuốc phì phèo, đó trở thành một hình mẫu đẹp cho sự nam tính, đàn ông. Nhưng bây giờ đâu còn như thế nữa.

Hoặc ngày xưa, ông bà ta quan niệm, đông con đông cháu là có phúc, trời sinh voi, trời sinh cỏ… nhưng sau mấy chục năm với chính sách về dân số, và thắt chặt kỷ luật sinh con thứ 3 đối với công chức thì quan niệm đó đã thay đổi.

Thói quen uống rượu bia cũng sẽ như vậy thôi.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: Tìm kiếm đối tác, chiến hữu cũng qua bàn nhậu, thật buồn! ảnh 2

Cần thay đổi văn hóa nhậu nhẹt. Ảnh minh họa.

Theo tôi, nên thay đổi từ giáo dục. Giáo dục cho người dân về tác hại của rượu bia như tôi đã nói, thay đổi quan niệm của họ về việc nhậu nhẹt…

Để thay đổi, theo bà, ta nên bắt đầu từ đâu?

Đặc biệt, cần giáo dục cho các em thanh thiếu niên về những điều này, vì nếu các em được giáo dục tốt, thì khi lớn lên, chúng ta sẽ có thế hệ công dân mới, sẽ có những thay đổi về văn hóa, thay đổi thói quen.

Và Đảng viên, người đứng đầu phải là người tiên phong đi trước. Bởi vì, lãnh đạo một cơ quan mà cũng nhậu nhẹt, say xỉn thì làm sao mà nói được nhân viên.

Kiểm soát chặt rượu lậu,  rượu không nguồn gốc

Nếu chỉ kêu gọi về ý thức, thì cũng sẽ rất khó, theo bà, cần có một chế tài như thế nào? Đánh thuế có phải là một giải pháp tốt?

Có một điều rất nghịch lý ở đất nước chúng ta đó là giá rượu bia rẻ hơn thế giới, còn giá sữa lại đắt hơn. Cho nên, về giải pháp thì trước mắt sẽ là đánh thuế. Nhưng đánh thuế thì cũng có tác dụng phụ tức là khi mặt hàng tăng giá lên thì sẽ là điều kiện thuận lợi cho hàng giả, hàng kém chất lượng tràn vào. Cho nên, cần phải kiểm soát chặt từ khâu sản xuất và kinh doanh.

Việc siết chặt sản xuất rượu bia liệu có làm ảnh hưởng tới nguồn thu của chúng ta không? Kinh nghiệm ở các nước là như thế nào, thưa bà?

Ở các nước, mua được rượu không dễ dàng. Trẻ dưới 18 tuổi chắc chắn không bao giờ mua được rượu, bia và rượu được bán theo giờ. Chứ không phải như ở ta, rượu cuốc lủi mua ở đâu cũng được.

Không một quốc gia nào khuyến khích người dân uống rượu, và cũng không trông mong dựa vào ngành công nghiệp rượu bia để mà thu lợi nhuận. Ngay cả Pháp, một quốc gia nổi tiếng xuất khẩu rượu vang, tiền thu được rất nhiều nhưng kiểm soát của họ cũng rất nghiêm ngặt. Dưới 18 tuổi là không được mua. Lái xe uống bia rượu cũng bị phạt rất nặng.

Liệu ta có thể học tập theo mô hình các nước không, thưa bà?

Tôi cho rằng, có thể tiếp thu, học tập nhưng dần dần, và có lộ trình. Bởi vì vấn đề còn là  tính khả thi của luật nữa. Ví dụ như đối với luật Phòng, chống tác hại thuốc lá thì ai là người xử phạt? Và cũng không thể cấm, chỉ là tránh lạm dụng.

Theo tôi, cần siết chặt việc quản lý rượu giả, rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc. Rượu mà chỉ mấy ngàn đồng một lít thì chỉ có cồn công nghiệp pha hoặc dùng những loại men không rõ nguồn gốc. Có biết bao vụ ngộ độc xảy ra vì loại rượu này rồi.

Cũng cần siết chặt việc quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên. Cả việc sản xuất phim ảnh, không nên đưa việc uống rượu tựa như một hình mẫu của nam nhi, hay việc uống rượu giải sầu, cứ buồn chán, thất tình là tìm đến rượu…

Nên có những quy định, chế tài về việc tiếp khách, ví dụ, không được sử dụng rượu ngoại, rượu đắt tiền. Hoặc thời gian qua, việc cấm công chức uống rượu bia trong giờ làm việc ở một số nơi cũng đem đến những tác dụng nhất định.

Đối với việc tăng thuế, tất nhiên, rượu bia cũng là một mặt hàng cho nên phương thức bán hàng sẽ phải đồng bộ với các phương thứ khác, sẽ là tăng thuế nhưng sẽ là tăng đúng lộ trình.

Nhưng quan trọng nhất, theo tôi, vẫn là thay đổi nhận thức và ý thức của người dân. Làm sao để người dân thấy, việc thực hiện là có lợi cho họ, cho sức khỏe bản thân.

Trân trọng cảm ơn bà!

Bình luận về việc các hộ kinh doanh, sản xuất rượu bia cá thể có thể sẽ phải đóng thuế ở mức 10 triệu đồng/tháng, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Đoàn đại biểu QH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, khi đã tham gia kinh doanh thì có doanh thu lợi nhuận đem lại thì phải có nghĩa vụ vì sức khỏe cộng đồng. Và không nên so sánh 10 triệu với tính mạng một con người, và sức khỏe cộng đồng được. Ở các nước, để  sản xuất ra những sản phẩm an toàn thực phẩm, người tiêu dùng sẽ chấp nhận giá ở một mức cao. Chúng ta không nên nghĩ tăng thuế sẽ triệt tiêu sự phát triển của doanh nghiệp trong nước. Mà phải thấy là quản trị kinh doanh của các doanh nghiệp được nâng lên ngang tầm với khu vực và thế giới.

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top