Cứu sống cụ bà 86 tuổi bị sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim gây những cơn đau thắt ngực, sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Việc cấp cứu và xử trí trong thời gian vàng là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng người bệnh.

Hội chẩn liên viện và kích hoạt báo động đỏ để cứu bệnh nhân

Ngày 8/10, Bệnh viện Bãi Cháy vừa phối hợp Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cứu sống một bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp nhờ hội chẩn liên viện.

Theo đó, bà Đ.T.S (86 tuổi, trú tại phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) xuống nhà người thân tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chơi.

Khoảng 13h ngày 1/10, bệnh nhân thấy đau ngực sau xương ức, đau lan lên cổ, kèm theo tức ngực, khó thở được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, huyết áp thấp 60/40mmHg, nhịp tim chậm rời rạc 35 lần/phút, tiên lượng rất nặng cần xử trí cấp cứu khẩn cấp.

Ê kíp cấp cứu của Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên đã ngay lập tức hội chẩn với ThS.BS Đinh Danh Trình, Phó khoa Tim mạch - Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh thống nhất các phương pháp hồi sức cấp cứu nội khoa khẩn cấp và ngay lập tức chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bãi Cháy trong thời gian nhanh nhất.

Song song tại thời điểm đó, ê kíp cấp cứu của Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận đầy đủ thông tin của người bệnh. Ngay khi bệnh nhân đến khoa Cấp cứu của bệnh viện, quy trình “ báo động đỏ” ngay lập tức được kích hoạt.

Kết quả điện tim của bệnh nhân có: Block AV cấp 3, trục trung gian, đoạn ST chênh lên từ V1-V4, DII, DIII, aVF, có hình ảnh soi gương ở aVL, DI. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc tim do Nhồi máu cơ tim cấp - BAV3, có chỉ định can thiệp cấp cứu.

Bệnh nhân nhanh chóng được Ths.BS Đinh Danh Trình, Phó khoa Tim mạch - Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh cùng ê kíp đã tiến hành chụp mạch vành qua hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA cho thấy, bệnh nhân tắc hoàn toàn RCA 1, xơ vữa lan tỏa gây hẹp 90-95% LAD 1-2. Ê kíp vừa thực hiện hồi sức tim, đặt máy tạo nhịp tạm thời cấp cứu, tái thông động mạch vành, đặt 1 stent vào đoạn mạch bị tắc.

Ths.BS Đinh Danh Trình, Phó khoa Tim mạch - Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh cùng ê kíp đang tiến hành chụp mạch vành can thiệp cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Ths.BS Đinh Danh Trình, Phó khoa Tim mạch - Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh cùng ê kíp đang tiến hành chụp mạch vành can thiệp cho bệnh nhân - Ảnh BVCC

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển qua khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (ICU) tiếp tục thở máy, thuốc trợ tim liều cao. Sau 5 ngày chăm sóc tích cực, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện tốt các y lệnh, được rút nội khí quản, ngừng dùng thuốc trợ tim chuyển về khoa Tim mạch điều trị tiếp. Hiện, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

ThS.BS Đinh Danh Trình cho biết: Nhờ có sự phối hợp tốt giữa các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy và Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên nên bà Đ.T.S đã được cứu sống.

Thời gian là vàng người có nguy cơ cần phát hiện sớm

Cũng theo ThS.BS Đinh Danh Trình nhồi máu cơ tim là tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim cấp tính gây những cơn đau thắt ngực, sau đó là hoại tử cơ tim dẫn đến suy tim hoặc đột tử. Với phương châm "thời gian là cơ tim, cơ tim là sự sống", việc cấp cứu và xử trí trong thời gian vàng là yếu tố sống còn quyết định sinh mạng người bệnh.

Triệu chứng chính của nhồi máu cơ tim là đau ngực, kèm các triệu chứng khác như vã mồ hôi, hốt hoảng, xanh tái, khó thở… Nhồi máu cơ tim nếu được nhận biết sớm và được xử trí trong vòng 3 - 6 giờ đầu sẽ đem lại kết quả cao nhất, giúp giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong.

Người bệnh phục hồi tốt sau 5 ngày can thiệp - Ảnh BVCC

Người bệnh phục hồi tốt sau 5 ngày can thiệp - Ảnh BVCC

Nhồi máu cơ tim là căn bệnh có diễn tiến rất nhanh và bất ngờ, không chỉ đối với người lớn tuổi có bệnh nền mà người trẻ cũng có thể bị nhồi máu cơ tim cấp.

"Với đối tượng có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, ít vận động, hút thuốc lá, làm việc áp lực, căng thẳng... cần thường xuyên kiểm tra khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý về tim mạch cũng như bệnh lý khác.

Nếu được tầm soát, chẩn đoán sớm, bệnh tim mạch hoàn toàn có thể kiểm soát và điều trị được." - ThS.BS Đinh Danh Trình khuyến cáo:

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top