Cứu sống cặp song sinh non tháng nặng 0,9kg

Nhờ kỹ thuật cao và sự chăm sóc đặc biệt, sau 74 ngày được điều trị và chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai, cặp song sinh Nguyễn Phạm Yến Chi (0,9 kg) và Nguyễn Hữu Quân (1,1 kg) được các thầy thuốc cứu sống.
song sinh

Chăm sóc trẻ trong lồng ấp tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nhịp tim rời rạc, không tự thở, không tự khóc

Đến thời điểm hiện tại đã hơn ba tháng (từ 5/2 – 19/4/2018) trôi qua, bác sĩ Phạm Thị Mai, khoa Nhi, BV Bạch Mai, người trực tiếp hồi sức tích cực cho cháu bé tại phòng sinh đêm 5/2 vẫn không thể nào quên hình ảnh hai bé chào đời trong hoàn cảnh đầy thương cảm. “Điều mà chúng tôi lo lắng nhất lúc bấy giờ là khi thai nhi ra khỏi bụng mẹ thì em bé đầu tiên (Nguyễn Phạm Yến Chi) nặng chỉ có 0,9 kg, toàn thân tím tái, rất nhiều mảng bầm tím trên da, mềm nhẽo, không tự khóc, tự thở được, nhịp tim rời rạc.

Ngay lúc đó, ekip các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tim phổi một cách tích cực bằng các biện pháp: ép tim, đặt ống bóp bóng qua nội khí quản, dùng thuốc trợ tim… Điều kỳ diệu đã xảy ra, chỉ sau khoảng hai phút hồi sức tích cực, bé đã hồng hào hơn, có những phản xạ của sự sống và được chuyển về khoa Nhi để tiếp tục hồi sức; Em bé thứ 2 (Nguyễn Hữu Quân) ra đời với tình trạng khá hơn, cân nặng đạt 1,1 kg nhưng cũng không tự thở được, cũng phải bóp bóng và đặt ống nội khí quản” – BS. Mai chia sẻ.

Tại khoa Nhi, vẫn với tinh thần tích cực đó hai bé được nuôi dưỡng hết sức cẩn thận trong lồng ấp, tiếp tục hồi sức tích cực tuy nhiên tình trạng của hai cháu bé rất nguy kịch và phức tạp, nồng độ oxy trong máu không đảm bảo mặc dù đã được hỗ trợ thở máy với thông số rất cao.

Trước tình hình suy hô hấp nặng nề như vậy, trên bệnh cảnh trẻ đẻ non, bác sĩ điều trị đã xin ý kiến hội chẩn chuyên môn với Ban lãnh đạo khoa Nhi ngay trong đêm để cân nhắc, xác định nguyên nhân và phương án điều trị cho cháu.  Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định sử dụng thuốc điều trị bệnh lý thiếu hụt chất surfactant. Chỉ ít giờ đồng hồ sau tình trạng của trẻ tốt lên rõ rệt, các thông số máy thở giảm dần đặc biệt nhu cầu nồng độ oxy thở vào giảm xuống đáng kể.

Liệu pháp khó cứu trẻ suy hô hấp

Các chuyên gia cho biết, điều trị bệnh lý thiệu hụt surfactant bằng liệu pháp Surfactant điều trị màng trong là một trong những kỹ thuật mới, khó chỉ có một số bệnh viện Trung ương thực hiện được. Bệnh màng trong được gọi là hội chứng suy hô hấp cấp, gây suy hô hấp nặng, tiến triển ở trẻ sơ sinh non tháng.

Nguyên nhân gây bệnh màng trong ở trẻ sơ sinh non tháng là do thiếu hụt Surfactant- thành phần có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt và duy trì tính ổn định của phế nang, ngăn ngừa xẹp các phế nang nhỏ ở cuối thì thở ra. Vì vậy ngay sau khi ra đời hoặc sau một thời gian thở bình thường, trẻ non tháng có nhiều phế nang bị xẹp do thiếu Surfactant và gây suy hô hấp.

Phương pháp điều trị bệnh màng trong trẻ sơ sinh non tháng bao gồm: Hỗ trợ hô hấp, điều trị nâng đỡ, liệu pháp Surfactant. Liệu pháp bơm Surfactant qua nội khí quản được chỉ định trong vòng 24 giờ sau sinh, càng sớm càng tốt. Bệnh màng trong đã được 18 giờ thì việc bắt đầu chỉ định liệu pháp Surfactant thường không có hiệu quả.

Nhiều bệnh lý phức tạp được chữa trị

Thư cảm ơn của bà nội 2 cháu bé.

Khi thực hiện điều trị tình trạng suy hô hấp cải thiện tuy nhiên hai bé vẫn còn rất nhiều bệnh cảnh kèm theo phức tạp và nặng nề đòi hỏi sự chăm sóc điều trị hết sức chu đáo và tích cực. Trẻ vẫn được thở máy tích cực, dùng thuốc hỗ trợ, và được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.

Các bác sĩ đã tiến hành siêu âm tim cấp cứu phát hiện trẻ có tăng áp lực động mạch phổi, nhưng không thấy bất thường về cấu trúc tim, siêu âm thóp cấp cứu của trẻ thấy tưới máu não kém, tổn thương phổi trên phim X-quang rất xấu. Ngoài ra. cháu Chi có rối loạn đông máu nặng, phải truyền huyết tương tươi và vitamin K.

Đánh giá về ca bệnh này, các bác sĩ cho biết, tình trạng cháu bé hết sức nguy kịch trong những ngày đầu tiên, tiên lượng tử vong cao. Tuy nhiên, sau khi được sử dụng thuốc surfactant – quyết định hợp lý của tập thể thầy thuốc khoa Nhi đã cứu nguy cho bệnh nhân. Sau hai tuần chăm sóc đặc biệt, hai cháu Chi và Quân đã cai được máy thở, bắt đầu bước sang giai đoạn tập bú.

Dù trẻ quá non và yếu nhưng được sự chăm sóc và hướng dẫn của các bác sỹ, các cô chú điều dưỡng, trẻ đã dần dần ăn tốt lên từng ml sữa, kiểm soát tốt các cơn ngừng thở và sau đó có thể tự bú. Khoa Nhi cũng đã triển khai cho hai bé nghiệm pháp Kangaroo – “da kề da” giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ tốt hơn, không còn cơn ngừng thở, trẻ bắt đầu tăng cân và cai được ôxy.

Sau 74 ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, cặp song sinh Chi và Quân đã khỏe mạnh và được ra viện ngày 19/4/2018 với cân nặng đã đạt 2,5 kg mỗi cháu, không có bất thường về thính lực, thị lực cũng như các cơ quan khác và các chỉ số xét nghiệm cơ bản ổn định.

Bế cháu nội ngoan ngoãn nằm ngủ trong vòng tay, bà Vũ Thị Thắm vẫn chưa tin hạnh phúc này với mình là sự thật. Tưởng rằng cả 2 cháu sẽ khó lòng qua khỏi, nhưng bằng quyết tâm và nỗ lực cao nhất của các thầy thuốc bệnh viện Bạch Mai, sự phối hợp tích cực, khẩn trương và đầy hiệu quả của các thầy thuốc khoa Sản, khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai hai cháu bé đã được cứu sống một cách ngoạn mục.

Trong lá thư cảm ơn gửi tới bệnh viện Bạch Mai, bà Thắm xúc động viết: “Đêm ngày 5/2 con tôi vào phòng đẻ trong tình trạng đã vỡ ối từ nhà, đang mang song thai được 7 tháng, từ lúc đó gia đình như không còn một tia hy vọng …Tôi thật sự khâm phục về chuyên môn và y đức – sự tận tuỵ của các bác sĩ, điều dưỡng khoa Nhi, Khoa Sản.

Nhờ sự theo dõi từng phút, từng giờ, hàng đêm, không quản vất vả của họ mà gia đình chúng tôi mới có ngày hôm nay, được đón cháu về trong niềm hạnh phúc ngập tràn…Một lần nữa cho phép tôi được cảm ơn ban giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã có 1 đội ngũ bác sĩ giỏi, điều dưỡng giỏi chuyên môn và lại tâm huyết với nghề…”

Nhật Hà

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top