Việt Nam không có Đông trùng hạ thảo
GS Bùi Công Hiển khẳng định “Ở Việt Nam chưa và không bao giờ có Đông trùng hạ thảo. Không có loài bướm đó để nấm ký sinh, cũng không có điều kiện tự nhiên để cho loài này sinh sống như Tây Tạng hay Nê Pan có độ cao trên 4000m và khí hậu đủ lạnh. Còn “Đông trùng hạ thảo” được làm từ nhộng tằm thì phải gọi bằng tên gọi khác, ví dụ như nhộng trùng thảo”.
Trong khi đó, nhộng trùng thảo ở Việt Nam đã được khá nhiều các đơn vị sản xuất và thương mại hóa trên thị trường như Viện Bảo vệ Thực vật, Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội…
“Vấn đề là ở Việt Nam, chưa có cơ quan nào kiểm chứng, chưa có các phân tích sinh hóa về chất lượng của nhộng trùng thảo như thế nào. Hiện chưa có nghiên cứu, công bố, cơ quan dược phẩm nào kiểm tra thành phần dược chất trong đó.
Vì người ta không công bố nên tôi cũng không biết. Chỉ biết là người ta quảng cáo nó là Đông trùng hạ thảo, bán với giá rất đắt nên tôi mới có ý kiến phải làm rõ”, GS Bùi Công Hiển nhấn mạnh.
Giá thành cực rẻ
GS Bùi Công Hiển cũng cho biết, giá thành sản xuất nhộng trùng thảo dưới cái mác “Đông trùng hạ thảo” hiện nay cực kỳ rẻ và đơn giản. Một nong tằm mua của người nông dân có giá khoảng 500.000 đồng (có khoảng vài nghìn con), sau đó phun nấm lên và ủ trong khoảng từ nửa tháng đến 1 tháng là cho ra sản phẩm, đóng hộp đem bán.
Giá thành phẩm hết khoảng 1 – 2 triệu đồng và cho ra khoảng chục cân sản phẩm nhộng trùng thảo. Vậy mà họ bán với giá khoảng 60 triệu đồng/kg trên thị trường. Đó là điều rất bất hợp lý. Người tiêu dùng bỏ tiền triệu ra mua Đông trùng hạ thảo, trong khi chất lượng nó thế nào thì chỉ người bán hàng mới biết được.
Tôi đặt câu hỏi, liệu có thể phân biệt được bằng cảm quan giữa Đông trùng hạ thảo và nhộng trùng thảo, GS Bùi Công Hiển cho rằng điều này rất khó vì hình thức nó giống hệt nhau.
Thứ nhất là không ai phân loại côn trùng bằng ấu trùng, thứ hai là mẫu đã chế biến, sao tẩm thì khó phân biệt, dù đó là con sâu rau, sâu hại bắp cải rau muống… thì trông cũng như thế mà thôi.
Vậy đưỡng chất của nhộng trùng thảo có tốt không? Vì chưa có công bố nào về thành phần của nhộng trùng thảo nên rất khó biết.
Theo GS Bùi Công Hiển thì chưa nói đến bổ dưỡng, con tằm có rất nhiều loại bệnh, nấm ký sinh, nếu không được xử lý thì chính các loại nấm ký sinh đó làm thành “đông trùng hạ thảo” có thể gây những tác hại chứ chưa nói gì đến bổ dưỡng.
Người nuôi tằm thường kiêng kị việc để người lạ đi vào khu nuôi tăm vì “kiêng hơi”, “kiêng vía” chính là các bệnh do vi khuẩn xâm nhập rất dễ lây lan, làm chết tằm. Không cẩn thận, trong chính con “Đông trùng hạ thảo” mà nhiều người mua về bổ dưỡng ấy cũng sẽ nhiễm các loại nấm đó.
Ở Việt Nam, nhộng trùng thảo được nhân nuôi ở nhiều nơi như Tam Đảo, Đà Lạt, Hà Nội… Một số doanh nghiệp đã sản xuất rồi. Khi chúng tôi đặt vấn đề này, nhiều nhà khoa học đều cho rằng đây là “vấn đề rất nhạy cảm”, biết thế mà vẫn rất khó để nói. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa tin đến bạn đọc.
Tô Hội