Covid-19 "vây" Việt Nam: Chủ quan, lơ là sẽ trả giá đắt!

(khoahocdoisong.vn) - Đông Nam Á đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm Covid-19 nghiêm trọng tại ba quốc gia Lào, Campuchia và Thái Lan. Sự nhập cảnh trái phép cộng với ý thức lơ là, chủ quan của người dân và sự tập trung đông người trong ngày lễ 30/4 - 1/5 khiến nguy cơ bùng phát dịch rất lớn. Việt Nam đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Nguy cơ từ nhập cảnh trái phép và trốn cách ly

Trong 24 giờ qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới đang diễn ra nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục ghi nhận kỷ lục số ca mắc mới cao nhất thế giới và cũng là cao nhất tại nước này từ trước tới nay, với 354.531 ca. Tính đến ngày 26/4, Ấn Độ đã trải qua 5 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số ca tử vong theo ngày cũng liên tục lên mức cao mới, trong khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy. Thống kê cho thấy, chỉ riêng tháng trước, số ca nhiễm mới trong một ngày tại Ấn Độ đã tăng tới 8 lần, trong khi số ca tử vong tăng gấp 10 lần.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác làm việc tại Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đoàn công tác làm việc tại Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ.

Khu vực Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh đang ở mức báo động đỏ với số ca mắc mới Covid-19 cao chưa từng thấy, trong 6 ngày số ca mắc trong cộng đồng tăng hơn 6 lần tổng số ca mắc trong năm 2020. Biến thể của virus SARS-CoV-2 đến từ Anh được cho là nguyên nhân chính khiến dịch Covid-19 tại Lào lan rộng ra 16/18 tỉnh, thành; Tại Campuchia, dịch đã lan ra khắp 22/25 tỉnh, thành, với số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này vẫn ở mức 3 chữ số, với 616 trường hợp...; Tại Thái Lan, từ ngày 23/4, số ca mắc mới theo ngày liên tục vượt con số 2.000, số người tử vong vì Covid-19 trong một ngày ở mức hai chữ số. Hệ thống y tế Thái Lan đang đứng trước nguy cơ quá tải...

Nguyên nhân khiến dịch bệnh tái bùng phát mạnh gần như đồng thời ở Campuchia, Lào và Thái Lan có "điểm chung," đó là mối nguy từ các ca bệnh nhập cảnh trái phép và trốn cách ly và việc người dân không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội khi tham gia các hoạt động cộng đồng, đặc biệt trong những đợt lễ, Tết. Tâm lý chủ quan này được cho xuất phát từ việc cả Campuchia, Lào và Thái Lan đều là những nước đã kiểm soát khá hiệu quả làn sóng lây nhiễm đầu tiên, như Lào suốt hơn 1 năm không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào. Hơn nữa, các nước này đều đã tiến hành chương trình tiêm chủng văcxin ngừa Covid-19.

Tại Việt Nam số người nhập cảnh từ vùng dịch ngày càng nhiều và đặc biệt là tình trạng nhập cảnh trái phép tăng cao. Chỉ trong vòng 4 giờ ngày 26/4, lực lượng chức năng phát hiện 4 vụ với 31 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Trong khi đó người dân vẫn tập trung đông người và lơ là ở các nơi công cộng như nhà ga, sân bay, các điểm du lịch, khu vui chơi...vẫn không đeo khẩu trang, khai báo y tế lấy lệ...

Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và khu vực khiến nguy cơ SARS-CoV-2 xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, đặc biệt các tỉnh biên giới Tây Nam. Bộ Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác đi chỉ đạo đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương vùng Tây Nam. Mục tiêu là khống chế, kiểm soát và không luống cuống, bối rối khi xảy ra dịch.

Virus biến chủng khiến dịch tàn khốc hơn

Trước tình hình dịch Covid-19 ở các nước xung quanh Việt Nam đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các viện đầu ngành tiến hành giải trình tự gene của những người nhập cảnh vào Việt Nam gần đây đã mắc Covid-19 để đánh giá, có các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Đoàn công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Kết quả Viện Pasteur TPHCM tiến hành giải trình tự gene của các trường hợp nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam mắc Covid-19 cho thấy: 85,7% mẫu mang biến thể B1.1.7 (biến thể phát hiện ở Anh) và 14,3% mang biến thể B.1.351 (biến thể phát hiện ở Nam phi).

GS.TS Đặng Đức Anh,Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, các nhà khoa học tại Viện đang tiến hành giải trình tự gene một số ca bệnh nhập cảnh về từ Ấn Độ và trong tuần này sẽ có kết quả.

GS.TS Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sự biến chủng của virus trên thế giới cho thấy, tất cả đợt dịch xảy ra lần sau thường lớn hơn, mạnh hơn và tàn khốc hơn lần trước. Với Việt Nam, chúng ta xác định phải hết sức cảnh giác, tập trung triển khai tất cả biện pháp phòng, chống dịch, tích cực chủ động để làm sao kiểm soát tốt tình hình. Chúng ta cũng chuẩn bị các kịch bản trong tình huống dịch xuất hiện ở địa phương hoặc lan rộng. Với khu vực Tây Nam Bộ, Bộ Y tế liên tục có những chỉ đạo khẩn, để kiểm soát tốt tình hình dịch tại Việt Nam. Trong đó, người đứng đầu địa phương có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ trưởng cho biết, nguy cơ đáng lo là các biến chủng SARS-CoV-2 tại Ấn Độ và Anh ở Campuchia xâm nhập vào Việt Nam mà chúng ta không biết. Do đó, việc lây nhiễm cộng đồng có thể xảy ra và nguy cơ rất lớn. Ổ dịch nhỏ sẽ trở thành ổ dịch lớn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị và từng người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nêu cao ý thức và trách nhiệm vì sức khỏe cộng đồng và cá nhân, tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra.

Thủ tướng chỉ đạo: Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo chủ động phối hợp, cập nhật tình hình trong nước và thế giới, rà soát để không ngừng hoàn thiện, tổ chức thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch trong phạm vi quản lý, không để bị động, đảm bảo chặt chẽ đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra và rõ trách nhiệm với tổ chức, cá nhân.

Yêu cầu mỗi người thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện nghiêm các yêu cầu về an toàn phòng ngừa Covid-19, thường xuyên tự kiểm tra và cập nhật kết quả thực hiện trên bản đồ phòng chống dịch Covid-19. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

"Bảo đảm việc tuân thủ các quy định về phòng chống dịch, thực hiện yêu cầu về đeo khẩu trang nơi đông người, nhất là tại các lễ hội, các hoạt động hiếu, hỉ; trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định" – kết luận của Thủ tướng nêu rõ.

Để phòng chống dịch, hiện nhiều địa phương như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã hủy bỏ lịch bắn pháo hoa để tránh tập trung đông người. Hội Phật giáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch... cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành xem xét hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top