Thiếu các công nghệ ứng dụng hiện đại trong cứu hộ cứu nạn
PGS.TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho hay, trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá trong công tác cứu hộ, giám sát báo động lũ, sạt lở đất ngày càng trở nên phổ biến. Hàng loạt các hệ thống được triển khai ở mức quốc tế như các phao vị trí cá nhân, phao vô tuyến chỉ báo vị trí khẩn cấp gửi tín hiệu lên vệ tinh để báo vị trí của người hoặc tàu trôi dạt trên biển, hệ thống cảnh báo sớm lũ và sạt lở đất sử dụng các cảm biến và truyền thông vô tuyến để gửi những cảnh báo về sự dịch chuyển của các khối mái dốc sườn đồi núi, báo động cho các nhà dân, công trình phía dưới nhanh chóng sơ tán để giảm thiểu thiệt hại về người. Tại Việt Nam có một số đề tài thử nghiệm lắp đặt các hệ thống nhập từ nước ngoài, nhưng có giá thành rất cao, khó có thể triển khai đại trà.
Các hệ thống cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ như đã thực hiện tại Bản Khoang (Sapa – Lào Cai) hay cầu 19/05 tại Hoà Bình không thể triển khai hàng trăm điểm mỗi tỉnh ở Việt Nam. Trên bản đồ các điểm sạt lở do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản công bố tại www.canhbaotruotlo.vn, các tỉnh đều có mật độ dày đặc các điểm có nguy cơ sạt lở.
Có 3 hạng mục giám sát sạt lở đất chính. Đầu tiên là quan sát thực địa về các đặc điểm thay đổi của địa hình, vết nứt và dòng nước trên bề mặt. Loại thứ hai là quan sát tại chỗ dựa trên mặt đất về sự dịch chuyển của mái dốc, các đặc tính thuỷ văn và vật lý trong đất, cũng như lượng mưa bằng các công cụ khác nhau. Loại thứ ba bao gồm các phương pháp viễn thám bao gồm phân tích ảnh vệ tinh, giao thoa kế rada khẩu độ tổng hợp, đo phản xạ quang học và phát hiện phạm vi ánh sáng.
Công nghệ trong nước, nhanh, rẻ
Với việc sử dụng khinh khí cầu thả ở tầng bình lưu tích hợp trạm công nghệ thu phát thông tin để giám sát, dẫn đường, tìm kiếm cứu hộ và đo đạc thông số vật lý môi trường tầng khí quyển, PGS.TS Phạm Hồng Quang đề xuất xây dựng hệ thống giám sát, báo động lũ và sạt lở đất cộng đồng và chỉ báo tìm kiếm cứu hộ cứu nạn giá rẻ. Hệ thống giám sát thời gian thực dịch chuyển mái dốc, bùn đá, kết nối với mạng toàn quốc giám sát và cảnh báo thiên tai, địa phương có thể tự lắp đặt dễ dàng với tư vấn từ xa của chuyên gia.
Hệ thống bao gồm 3 mô hình tương ứng với 3 dạng thiên tai phổ biến khi mưa lớn ở địa hình rừng, núi. Hệ thống giám sát, báo động sạt lở mái dốc bao gồm các thành phần thiết bị đo dịch chuyển mặt dốc. Bộ trung tâm mạng thu thập dữ liệu từ các thiết bị đo, xử lý ngưỡng tín hiệu, truyền tin kích hoạt báo động, truyền tin về mạng Internet. Thiết bị báo động tại khu dân cư gồm còi, đèn tại mỗi khu nhà dân, bộ nhận tin vô tuyến.
Hệ thống dữ liệu trung tâm tại cơ quan vận hành mạng lưới quốc gia, đánh giá lịch sử dữ liệu, đưa ra các cảnh báo sớm khu vực cần theo dõi đặc biệt (kết hợp dữ liệu dự báo mưa), thông tin mạng diện rộng qua Internet, tin nhắn, điện thoại, thông tin trực tiếp tình trạng hiện trường.
Hệ thống giám sát, báo động lũ bùn đá gồm thiết bị đo lũ bùn lắp đặt trên sông suối, cảm biến mực nước, đánh giá tốc độ và khối lượng dòng chảy, thiết bị đo dịch chuyển mặt dốc, thiết bị phân tích AI hình ảnh hồng ngoại siêu tiết kiệm năng lượng, bộ trung tâm mạng và đo mưa, thiết bị báo động tại khu dân cư. Hệ thống giám sát, báo động lũ, đập tràn gồm thiết bị đo lũ trên thượng nguồn, thiết bị báo động tại đầu ngầm tràn, thiết bị đo mưa.
PGS.TS Phạm Hồng Quang cho biết, mô hình lắp đặt thiết bị tại suối Trắng, Bản Khoang, Sa Pa, Lào Cai đã phát huy hiệu quả trong giám sát dịch chuyển mặt dốc để cảnh báo sạt lở. Thiết bị giám sát, báo động lũ ngầm tràn cũng đã được lắp đặt tại cầu ngầm Bo, Kim Bôi, Hoà Bình. Đây đều là những công nghệ do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu chế tạo, làm chủ, dễ dàng áp dụng, giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.