Lũ quét, sạt lở đất: Không chống được, nhưng phòng được

(khoahocdoisong.vn) - Không có công trình xây dựng nào có thể chịu được khi lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống được nếu có các biện pháp xử lý sớm.

Khoanh vùng cảnh báo

Ngày 2/11, Đoàn công tác Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã khảo sát, đánh giá và khắc phục hậu sạt lở đất tại Đồn biên phòng quốc tế Cha Lo (xã Dân Hoá, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) và khảo sát điểm ngập úng, nhà chống lũ tại huyện Lệ Thủy.

Bộ Xây dựng đã từng có cuộc họp bàn với các nhà chuyên môn, đưa ra phân tích về sự khác biệt nguy hiểm của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với các hình thái thiên tai phổ biến khác như gió, bão, lũ lụt và động đất. Nhưng có thể thấy, hầu như không thể dùng các biện pháp công trình để chống đỡ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét so với việc có thể thiết kế kết cấu chịu được gió bão, động đất. Thêm vào đó, các quy định hiện nay trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lựa chọn địa điểm xây dựng, khảo sát địa chất – địa hình để xây dựng lán trại, doanh trại, trụ sở làm việc, cụm dân cư trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét còn khá khiêm tốn.

Theo Bộ Xây dựng, cần phải nhanh chóng soạn thảo hướng dẫn kỹ thuật trong việc lựa chọn, khảo sát địa điểm xây dựng đối với công tác xây dựng mới. Đồng thời, có hướng dẫn về điều tra, khảo sát dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để di dời khẩn cấp đối với các công trình đang tồn tại trong các mùa mưa bão.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, không có giải pháp công trình nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Giải pháp để phòng chống là gì? Đối với việc xây mới, quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay, chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỷ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000, làm sao là phải đưa ra tỷ lệ 1/500. Bộ Xây dựng  sẽ phối hợp  cùng các chuyên gia để chuyển tỷ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được.

Với những công trình đã xây dựng rồi, như nhà đang tồn tại thì giải quyết thế nào? Một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác như đã nói. Hai là cần có hướng dẫn, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ có hướng dẫn rất cụ thể để người dân và hộ dân có thể nhận được cảnh báo. Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, thủy văn… trong bán kính khoảng 500m.

Thiết lập cơ chế cảnh báo sớm

Ông Yasuhiro Taraka, chuyên gia Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế (JICA), cố vấn quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản cho biết, Nhật Bản là quốc gia có độ dốc lớn nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Vấn đề là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất. Bởi vì có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất. Hình thái này phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng. Nhật Bản dựa trên 3 yếu tố để đưa ra cảnh báo sạt lở đất. Đầu tiên là vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào sau đó chia thành các vùng, trong đó, vùng đỏ là vùng mưa nhiều, có nguy cơ sạt lở cao.

Theo đó, với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó. Tuy nhiên, tại vùng nguy cơ cao, chính quyền địa phương sẽ có thông báo và kế hoạch di dời người dân khi có khả năng xảy ra sạt lở. Mỗi hộ gia đình cần biết rõ họ nằm ở vùng nào, vùng đỏ là nguy hiểm, vùng vàng là cận nguy hiểm.

Thứ hai là Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo sớm. Các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều đo được lượng mưa hàng giờ. Các trung tâm thủy văn có những máy tính rất tốt để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó họ ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn. Cuối cùng, Nhật Bản chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa sạt lở đất.

“Chúng tôi sẽ dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình. Ví dụ như nổi tiếng nhất là đập Saboo để ngăn chặn bùn, đá. Ở Nhật cũng có các biện pháp tản lượng nước mưa đổ xuống dưới để ngăn nước mưa không tràn xuống các sông gây lũ”, ông Taraka cho hay.

Nhật Bản còn khoanh vùng rủi ro thiên tai. Sau khi phân vùng, Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo về lũ quét và hệ thống công trình ngăn chặn đất đá tại các khu vực đó. Sau khi hết mùa mưa, cơ quan chức năng sẽ nạo vét đất đá do sạt lở. Ngoài ra, tại các đỉnh núi ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, Nhật Bản đặt các sợi dây khi đất đá rơi từ đỉnh núi làm đứt các sợi dây, hệ thống loa tự động sẽ phát ra cảnh báo tới người dân sinh sống ở dưới chân núi.

Theo Đời sống
back to top