GS Nguyễn Ngọc Lung: Còn rừng tự nhiên sẽ không có lũ quét, sạt lở đất!

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, dù tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt đến 41% nhưng thực chất đa số là rừng trồng, rừng nghèo. Rừng tự nhiên, rừng giàu… còn rất ít. Điều đáng nói là không thể trồng được rừng tự nhiên nên khi đã bị tàn phá là mất trắng.
GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

GS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng.

Nguyên nhân sạt lở đất, lũ quét… không thể bỏ qua yếu tố mất rừng tự nhiên

Chuyện mất rừng, thiên tai, lũ quét… vốn không mới và được quan tâm đặc biệt sau những thảm họa kinh hoàng vùi lấp hàng chục người, cuốn trôi đi cả một ngôi làng… ở miền Trung thời gian qua. Nguyên nhân sâu xa của thảm họa ấy có phải do mất rừng tự nhiên, thưa ông?

Ở Việt Nam hiện có hai loại rừng là rừng trồng và rừng tự nhiên. Rừng nguyên sinh là một khái niệm trong rừng tự nhiên, là loại rừng chưa có tác động của con người, nhưng thực chất thì ở Việt Nam chỗ nào cũng bị con người tác động rồi, dù ít hay nhiều. Nguyên nhân của sạt lở đất, lũ quét… thời gian qua có nhiều, trong đó không thể bỏ qua yếu tố mất rừng tự nhiên.

Vai trò của rừng đối với chống lũ, chống sạt lở như thế nào thưa ông?

Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi... khi mưa xuống có tới 95 % chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét… Nhưng có rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt nữa, mà thấm sâu dưới đất.

Một cơn mưa bình thường kéo dài 1 - 2 giờ với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết mưa là mặt đất không có nước, mà thẩm thấu trở thành nước ngầm, không còn khả năng gây lũ ống, lũ quét.

Vì sao rừng tự nhiên lại có khả năng chống lũ tốt vậy ạ?

Đó là vì rừng tự nhiên có nhiều tầng, tán, nhiều loại cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20 - 30m (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế, tán rộng bao nhiêu thì rễ cũng mọc rộng bấy nhiêu). Các cây đan lại với nhau như một cái lưới. Với kết cấu đó thì không thể tạo ra lũ được.

Còn rừng trồng chỉ có tác dụng bằng 1/2 - 1/5 so với rừng tự nhiên, tùy thuộc trồng loại cây gì, đã trưởng thành chưa, nhưng tính trung bình thì nó có thể ngăn lũ được khoảng 50%.

Đối với đất trống, đồi núi trọc, 80 - 90% lượng mưa xuống là chảy tràn trên mặt vì nó không có lực cản nào để thấm sâu xuống đất. Không có lớp thảm mục để giữ nước, tạo thành dòng chảy lớn, gây nên lũ quét. Cây cối có tác dụng phân hóa, điều khiển nước là như vậy.

Độ che phủ lớn, nhưng thảm họa vẫn gia tăng

Hiện nay, theo số liệu thống kê thì diện tích rừng của chúng ta còn nhiều không thưa ông?

Ở thời điểm năm 1945, độ che phủ rừng tự nhiên lên tới 43%. Tuy nhiên, sau đó do tác động của chiến tranh cùng với trình độ quản lý kém hiện nay, độ che phủ của rừng đã bị mất tới gần một nửa (còn khoảng 27% độ che phủ), gây ra những mối đe dọa tới sinh hoạt, phát triển nông nghiệp.

Năm 1992, chương trình trồng 5 triệu ha rừng được khởi động, diện tích rừng trồng đã được nâng lên khá nhiều. Hiện nay, nhờ các chương trình phát động, diện tích che phủ cũng đã được tăng lên, theo số liệu thì diện tích rừng che phủ hiện lên đến 41,7%.

Tuy nhiên, đó là rừng trồng nên khả năng tích trữ, chống lũ, sụt lún cũng chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Diện tích rừng tự nhiên hiện còn rất ít.

Vì sao diện tích che phủ rừng lớn như vậy mà thiên tai lại xuất hiện nhiều hơn, khủng khiếp hơn?

Đây đúng là mấu chốt của vấn đề. Mấu chốt là chất lượng rừng hiện nay rất thấp. Cũng là rừng tự nhiên nhưng xưa là rừng giàu và trung bình, giờ là rừng nghèo và rừng kiệt. Xưa trên 1ha rừng có 250m3 gỗ nhưng giờ chỉ còn 25m3 gỗ.

Như thế, độ che phủ bằng nhau nhưng chất lượng rừng không bằng một nửa so với trước đây. Chất lượng đó ảnh hưởng đến năng lực phòng hộ của rừng. Trước đây mật độ cây ken đặc, rễ đan nhau dày đặc thì giờ cây ít đi, cây to không có… nên vai trò bảo vệ của rừng bị suy giảm đi nhiều.

Rừng nghèo như ông nói là nghèo cái gì ạ?

Chúng ta cần phải công bố rõ ràng rằng hiện tỷ lệ rừng giàu còn rất ít, rừng trung bình còn một ít, chỉ còn rừng nghèo và rừng kiệt, rừng mới phục hồi. Rừng nghèo là loại rừng chỉ có những loại cây ít giá trị, không có thảm thực vật, động vật, không có tác dụng giữ nước, chống xói mòn… Buông lỏng quản lý ở nhiều nơi khiến kiểm lâm chính là lâm tặc, rừng giàu biến thành rừng kiệt…

Thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10ha rừng trồng

Rừng trên thực tế có khớp với số liệu mà chúng ta vẫn biết?

Số liệu có vênh với thực tế, chủ yếu là do ý thức của con người. Khoa học thì luôn phải chính xác, nhưng nhiều khi lại bị chi phối bởi “ý thức”.

Ông có thể nói cụ thể?

Theo quy định thì cứ 5 năm phải điều tra lại số liệu rừng 1 lần. Ngân sách chi một khoản không nhỏ để nghiên cứu, điều tra quy hoạch rừng. Phải đi đo từng khu rừng xem còn bao nhiêu rừng giàu, bao nhiêu rừng trung bình, rừng nghèo, rừng kiệt… rồi công bố kết quả. Tỉnh nào cũng có một Đoàn điều tra quy hoạch trực thuộc Viện Nghiên cứu, điều tra quy hoạch rừng. Đây là đơn vị nắm con số về rừng của tỉnh. Về cơ bản thì với công nghệ giám sát hiện nay như ảnh vệ tinh chụp liên tục thì rất khó để biến báo số liệu về rừng, hoặc có thì sự sai khác cũng rất ít.

Nhưng theo đúng quy trình, để được quyết toán nghiên cứu, số liệu điều tra về hiện trạng rừng phải được xác nhận của lãnh đạo địa phương. Mà nhiều khi vì bệnh thành tích, vì muốn phát triển, muốn “lên nữa” nên số liệu cũng phải rất “đẹp”. Do vậy, để được “ký” để được giải ngân thì phải có số liệu sao cho “vừa lòng” lãnh đạo, để vừa có “thành tích”, vừa có đủ cơ sở pháp lý để giải ngân điều tra số liệu rừng.

Theo quy định, nhà máy thủy điện lấy đi bao nhiêu rừng thì phải trồng bù bấy nhiêu, điều này có khắc phục được những tác động vào môi trường của dự án thủy điện thưa ông?

Khi xây dựng nhà máy thủy điện, rất ít chủ đầu tư có phương án trồng rừng thay thế khi rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hậu quả là rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng không bù nổi diện tích đã mất. Do vậy, thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 - 10ha rừng trồng.

Đừng đánh đổi tự nhiên để phát triển, bởi có những thứ không mua được bằng tiền. Không ai có thể trồng được rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên mất đi là vĩnh viễn mất đi, thiên nhiên đã bị tàn phá, khó mà khôi phục được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

Hà Nội đã hết người ăn xin, vô gia cư?

"Hà Nội hiện không có người ăn xin ăn mày, không có người vô gia cư", Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ lại ý kiến ông đã phát biểu tại hội nghị các thị trưởng ASEAN tại Lào.
Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Kéo dài thời gian thăm vịnh Hạ Long

Từ 20/10/2024, tàu tham quan ban ngày, vào mùa hè (tính từ 1/4 - 31/10) được xuất bến từ 5h và về bến chậm nhất là 20h, trong khi hiện nay là 6h mới được xuất bến và phải trở về bến trước 19h.
Phố đi bộ Ngọc Khánh vắng khách?

Phố đi bộ Ngọc Khánh vắng khách?

Sau 2 ngày mở cửa, phố đi bộ Ngọc Khánh, Bà Đình, Hà Nội vắng vẻ. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân là bởi khu vực này chưa có nhiều các hoạt động vui chơi giải trí...
Gỡ khó xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia

Gỡ khó xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia

Đề cập đến các khó khăn vướng mắc trong các dự án, công trình trọng điểm trong thời gian qua, TS. Đặng Việt Dũng-Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (Hội thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chỉ ra 5 vấn đề.
back to top