Tôi kết hôn 7 năm, có một con trai 5 tuổi. Chồng tôi là người nóng tính, gia trưởng. Ngày yêu nhau, tôi đã nhận ra tính cách này của anh. Nhưng thấy anh yêu thương, chăm sóc tôi tận tụy, tôi đã bỏ qua hạn chế đó của anh.
Năm đầu mới cưới, anh vẫn giữ được sự dịu dàng, tử tế với tôi. Tuy nhiên, từ khi có con, mọi chuyện thay đổi. Anh thường xuyên tỏ sự cáu gắt, khó chịu với tôi, can thiệp vào mọi việc tôi làm, đặc biệt trong việc chăm con, vì với anh, con là nhất. Chỉ cần không vừa ý với vợ, anh sẵn sàng chửi mắng tôi bằng những lời lẽ thô tục, xưng “mày – tao”.
Con trai tôi bắt đầu có dấu hiệu bướng bỉnh, ngỗ ngược, khó bảo. Tôi không biết có phải cháu bị ảnh hưởng từ cách cư xử của bố không? Tôi rất lo lắng cho sự phát triển của con, nhưng không thể thay đổi chồng, vì chỉ cần phản ứng lại là anh ấy lại chửi mắng tôi thậm tệ.
Trần Thanh Mai (Vĩnh Phúc)
ảnh minh họa – internet
Thanh Mai thân, chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, bạo hành, trẻ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Có bé thì tỏ ra hung hăng, ngỗ ngược, phá phách, có bé lại buồn rầu, sợ hãi, thậm chí rơi vào trầm cảm. Chồng chị gia trưởng, nóng tính, với tính cách này, anh sẽ muốn được người khác “nghe lời”, tuân theo ý mình tuyệt đối. Nếu chị phản ứng lại theo kiểu “cãi tay đôi” với chồng sẽ chạm tới lòng tự ái, tự tôn của anh ấy, khiến tình hình càng tồi tệ hơn.
Trong hoàn cảnh này, chị cần dùng tới sự mềm mỏng, nhẹ nhàng. Lựa lúc nào đó vợ chồng vui vẻ, chị hãy góp ý với chồng về cách cư xử, hỏi chồng những điều gì “chưa ưng” ở vợ để rút kinh nghiệm, sửa đổi. Đặc biệt, chị hãy dựa vào chính lòng thương con của anh ấy để làm “vũ khí”. Hãy nói cho anh ấy biết về những thay đổi theo hướng tiêu cực của con, cùng anh ấy tìm nguyên nhân, thử áp dụng các cách khắc phục, trong đó có việc tạo bầu không khí gia đình hòa thuận, êm ấm.
Chúc chị thành công!