Lợn biểu tượng cho phồn thực
Lợn là loài vật duy nhất được nuôi nhốt trong chuồng, đến bữa (thường gần trùng với bữa ăn của chủ nhà) thì được chủ cho ăn. Chế độ nuôi này tạo cho con lợn bản tính hiền lành, cũng chính vì thế mà lợn biểu tượng cho bình yên, bình ổn và đều đặn hay điều độ (“Lợn ăn xong lợn nằm thì béo; lợn ăn xong lợn réo thì gầy”).
Thức ăn chính của lợn là cám - sản phẩm phụ từ nghề trồng lúa cùng các loại hoa màu, như ngô, khoai, sắn và các loại rau trồng trong vườn nhà hay ở các ao ngòi, cùng một số loài rau cỏ tự nhiên. Các loại thức ăn này đều sạch sẽ.
Lợn chính là vật nuôi biểu tượng cho sự kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt - chăn nuôi và khai thác các sản vật tự nhiên. Cách nuôi trên đây làm cho lợn là biểu trưng của sự phồn thực (no đủ) và nhàn nhã sung túc.
Rước ra đình, dâng tế thành hoàng
Văn hóa phương Đông, lợn (Hợi) đứng cuối cùng trong 12 con giáp - ngụ ý mong muốn sự đầy đủ sau 12 năm làm việc để bước vào một giáp mới. Dân gian quan niệm, người nào sinh tuổi Hợi bất kể nam hay nữ thường được nhàn nhã và no đủ. Về sau, người ta còn dùng hình ảnh con lợn đất tượng trưng cho sự dư đủ về tiền bạc. Trong tranh dân gian cũng như điêu khắc dân gian, lợn được khắc họa với hình ảnh lợn mẹ - lợn con tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở, sung túc và quây quần, đoàn tụ.
Trong đời sống tín ngưỡng của người Trung Hoa và người Việt xưa kia, lễ tam sinh gồm thịt của ba loài vật: trâu/bò - dê - lợn thường được dùng trong các lễ tiết lớn của triều đình, cộng đồng và các gia đình giàu có, quyền quý.
Trước Cách mạng tháng Tám 1945, rất nhiều làng Việt có tục mỗi năm phân công mỗi giáp (thiết chế của nam giới trong làng) phải nuôi một ông ỷ (lợn) với chuồng trại và chế độ ăn khác biệt với nuôi lợn thường, nhìn chung cầu kỳ và tốn kém. Đến ngày hội, ông ỷ này được mổ cẩn thận và trang hoàng, rồi rước ra đình, dâng lên tế thành hoàng, cầu mong thần phù hộ dân làng một năm “nhân khang vật thịnh”.
Trong nhiều lễ lạt, nếu thông gia chết, phải có cỗ xôi thủ lợn để thể hiện sự vẹn tình.
Thủ lợn biểu thị đủ ngũ giác
Tuy nhiên, trong các nghi lễ quan trọng (cưới xin, tang ma, giỗ cha mẹ, lễ thành hoàng), người ta ít dâng lên cả con lợn. Cũng ít dâng lên cúng tế một khổ thịt (miếng thịt) vì làm như vậy sẽ không vẹn tròn với thần linh và không được thần phù hộ đầy đủ.
Trong trường hợp đó, giải pháp tốt nhất là dùng thủ lợn, bởi thủ lợn có đủ ngũ giác - các bộ phận có tác dụng cảm nhận các kích thích của môi trường bên ngoài cơ thể, gồm thị giác (mắt), thính giác (tai), vị giác (lưỡi), khứu giác (mũi) và xúc giác (da). Hơn nữa, còn có bộ óc - cơ quan điều khiển các hoạt động của con vật. Thủ lợn cùng với một ít tiết và một đĩa lòng (có đủ các bộ phận nội tạng), cùng chiếc đuôi được cài ngang miệng lợn được coi là một con lợn hoàn chỉnh để dâng lên làm lễ.
Tóm lại, dùng thủ lợn cộng thêm chiếc đuôi, có thể thêm ít tiết, đĩa lòng thay cho cả con lợn trong các lễ thức, phong tục thể hiện ước vọng có cuộc sống ổn định, bình yên, no đủ; còn trong nghi lễ thờ cúng, dùng thủ lợn nhằm mong muốn nhận được sự phù hộ đầy đủ, vẹn tròn của thần linh.
Khi bày thủ lợn để cúng tế, cần để đầu thủ lợn quay ra phía ngoài (“Lợn quay ra, gà quay vào”). Khi chọn thủ lợn để cúng tế, cần chọn thủ có mặt to, cân xứng chiều dọc - bề ngang, tai to, không bị rách, mõm dài vừa phải, mắt hơi híp.
PGS.TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học)