70% cuộc đời là do ngẫu nhiên
- Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã gọi ông là con khủng long kỳ vĩ?
(Cười lớn). Nghe đáng sợ quá phải không.
- Đúng là sợ thật. Nhìn ông làm việc, thấy những việc ông đã làm, tôi thật sự kinh sợ. Mà tôi rất thích từ kỳ vĩ, thật quá chính xác. Được gặp và trò chuyện với ông, tôi thấy thật kỳ diệu, một người 100 tuổi, thông kim bác cổ, từng đi đây đó nhiều, từng gặp gỡ những người nổi tiếng... tôi cứ có cảm giác như gặp một vị tiền bối.
Thật thế à? Thực ra tôi thấy tôi chỉ hơi khác chút ít ở chỗ là trong khi các nhà văn, nhà nghiên cứu của ta chỉ làm một trong hai việc là đưa văn hóa nước ngoài vào ta hoặc đưa văn hóa của ta ra nước ngoài, thì tôi lại làm cả hai việc đấy. Vì vậy độc giả trong và ngoài nước mới gọi đùa tôi là người xuất nhập khẩu văn hóa.
- Thế ông có thích danh hiệu đấy không?
Cũng có người cho rằng xuất nhập khẩu gợi đến những cái vật chất. Nhưng tôi nghĩ từ đó phản ánh đúng bản chất công việc của tôi.
- Cụ thể ông xuất nhập khẩu những gì?
Chủ yếu là viết báo, viết sách, đi nói chuyện và giúp đỡ văn hóa các địa phương qua các quỹ văn hóa. Mười mấy năm nay tôi vẫn giữ các chuyên mục thường xuyên trên một số tờ báo Việt, Pháp, Anh và ở Đức.
- Tôi đã đọc cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của ông. Cuốn sách dày hơn 1000 trang, rất lý thú. Đọc xong tôi thấy ngạc nhiên vì sao những điều đơn giản và đẹp thế mà mình không nhận ra. Nhưng trên bàn ông tôi còn thấy những cuốn còn dày hơn thế?
Đây là cuốn “Khám phá văn hóa Việt Nam” (xuất bản bằng tiếng Pháp) cùng với cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
- Tôi được biết, đây là cuốn dày nhất và đã được giải Frix Gadif 2008, là giải thưởng văn học đầu tiên lập ra năm 2008 của các đại sứ và các tổ chức Pháp ngữ ở Việt Nam. Bản tiếng Việt được coi là sách best seller ở hội chợ sách TP HCM 2007. Bản tiếng Anh đã được giải Vàng sách Việt Nam năm 2006. Xin hỏi điều gì đã thúc đẩy ông làm công việc ít có ai làm như vậy?
Là ngẫu nhiên. Tôi không tin vào số mệnh hay bói toán, nhưng tôi nghiệm ra 70% cuộc đời mỗi con người là do ngẫu nhiên, mà là ngẫu nhiên khoa học quyết định, ít nhất là cuộc đời của tôi. Ví như cái việc chọn vợ, chọn chồng chẳng hạn. Nếu anh đến lúc 9h thì sẽ gặp cô này, đến lúc 9h10 sẽ gặp cô khác.
Chọn nghề cũng thế, có phải cô sinh ra là đã biết mình sẽ làm nhà báo đâu. Do cuộc đời đẩy mình đến đấy. Lúc trẻ tôi dạy ngoại ngữ, đến khi vào bộ đội làm trưởng ban phụ trách giáo dục tù hàng binh Âu- Phi, được tiếp xúc với nhiều người lính lê dương từ nhiều nền văn hóa khác nhau.
Rồi khi xuất ngũ, sau nhiều năm tôi làm giám đốc Nhà xuất bản ngoại văn và tổng biên tập một số báo đối ngoại. Từ khi nước ta mở cửa, có hàng triệu người nước ngoài vào, nhiều người muốn tìm hiểu văn hóa Việt Nam, UNESCO, các sứ quán, các hội hữu nghị, các công ty du lịch… mời thuyết trình. Mọi cái cứ như ngẫu nhiên, nhưng theo tôi đấy là cái ngẫu nhiên của tất nhiên.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh năm 1918. Ngoài viết báo, sách bằng tiếng Anh, Pháp để giới thiệu về văn hóa Việt Nam, ông còn viết sách báo tiếng Việt về văn hóa Pháp, Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Điển, Đan Mạch, Trung Quốc, Lào… Trong đó cuốn “Hồ sơ văn hóa Mỹ” xuất bản năm 1995 được hoan nghênh nhất vì lần đầu tiên ở Việt Nam có một cuốn sách nghiên cứu sâu và đánh giá khách quan về cái tốt và cái xấu của nước Mỹ. Ông là chủ tịch của Quỹ Thụy Điển- Việt Nam phát triển văn hóa 16 năm.
Bản sắc có thể thấy qua ứng xử và giao tiếp
- Xin hỏi ông câu này, ông đừng cười. Chúng ta cứ kêu gọi giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Nhưng cụ thể là giữ gìn cái gì?
Cũng đã nhiều người hỏi tôi câu này. Họ bảo âm nhạc thì của Tây, quần áo toàn mốt của nước ngoài, hát thì xập xình uốn éo theo Mỹ, vào đền chùa toàn chữ Hán... vậy cái gì là của ta? Văn hóa vật thể thì quá rõ. Căn nhà Việt Nam 3 gian 2 chái khác hẳn nơi khác.
Còn về văn hóa phi vật thể, nhà nghiên cứu người Nhật Higuchi đã giải đáp bằng một câu rất thú vị: Văn hóa giống như không khí. Chúng ta sống trong đó, hít thở nó nhưng không sờ thấy được. Nhưng khi để một lá cờ ra ngoài trời, có gió thổi thì mới nhận thấy là gió và hướng nó ở đâu.
- Như vậy, hóa ra ông đang xuất nhập khẩu không khí, một thứ vô hình ư?
(Cười) tất nhiên là không rồi. Có văn hóa vật thể nhìn thấy ngay, có văn hóa phi vật thể nằm trong tiềm thức, tâm linh dân tộc. Chẳng hạn Tết và những lễ hội làng xóm là một nét văn hóa Việt Nam điển hình... Riêng cái món bánh chưng cũng đã là vấn đề đáng nói về bản sắc dân tộc. Nó là biểu hiện văn hóa của người Việt từ thời Hùng Vương.
- Nhưng nói một cách dễ hiểu thì bản sắc của Việt Nam là cái gì?
Dễ thấy nhất là văn hóa ứng xử và giao tiếp.Việt Nam do bản địa và lại thêm ảnh hưởng của Khổng học nên mang đậm tính chất cộng đồng. Không như các dân tộc phương Tây, do ảnh hưởng của văn hóa cổ Hy Lạp, La Mã, Kitô giáo và khoa học kỹ thuật nên nặng về chủ nghĩa cá nhân.
Ví dụ như chuyện ăn uống chẳng hạn. Bữa ăn gia đình của ta có tính quan trọng, vì cuộc sống gia đình có tầm quan trọng hơn với người phương Tây. Ăn chung mâm, gắp chung món. Hay ví như vào một quán bia, người Việt Nam tha hồ trò chuyện, cười đùa ầm ầm, rõ ràng đó là biểu hiện sinh hoạt cộng đồng, không như vào một cửa hàng ăn phương Tây, tôn trọng cá nhân nên nếu có trao đổi thì cũng rất khẽ.
- Nghe ông nói tôi mới hiểu. Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ việc trò chuyện cười đùa trong quán ăn là tính xấu của người Việt Nam, đối lập với tính lịch sự của người phương Tây. Hóa ra đó là nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Như vậy là qua giao tiếp ứng xử hàng ngày là có thể nắm được bản sắc dân tộc?
Đúng vậy. Ví dụ như nước Mỹ có đến hàng trăm dân tộc, như vậy có hàng trăm bản sắc văn hóa. Nhưng khi ta quan sát ở sân bay có một đoàn Mỹ vừa bước xuống xe buýt, ta sẽ nhận thấy ngay là có một bản sắc Mỹ riêng. Các khách dù là da trắng, da vàng, da đỏ... dù là gốc Ý, Pháp, Đức, Việt... đều ứng xử như nhau theo phong cách Mỹ.
Thí dụ cách đi đứng, kiểu ăn mặc, cách chào, cách ăn. Người ta vẫn nói nước Mỹ như một nồi hầm nhừ biến tất cả các sắc thái từng dân tộc thành một phong cách Mỹ riêng. Mặc dù khi ở nhà thì người Mỹ gốc Việt hay gốc Ý, Đức lại có thể ứng xử theo bản sắc dân tộc Việt hay Ý, Đức...
- Tôi có một thắc mắc nhỏ xin hỏi ông, trong sơ yếu lý lịch chúng ta vẫn phải khai phần “trình độ văn hóa”, có người thì khai là lớp 10, 12, có người lại ghi là đại học... như vậy có đúng không?
Thực ra phần này chính là trình độ học vấn. Học vấn cao không có nghĩa là văn hóa cao. Một người có thể có tới 2 bằng tiến sĩ nhưng nếu ngược đãi bà mẹ thì trình độ văn hóa của anh ta không thể bằng một người nông dân chưa học hết lớp 12 nhưng lại biết thương mẹ.
- Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn mạnh khỏe để có nhiều chuyến đi thú vị và những bài viết hay.