Để nấu được cơm ngon, cần chọn nồi đúng công suất và nắm được các nguyên tắc nấu cơm cơ bản.
Nồi to, nấu ngon!
Theo KS Trương Văn Hùng, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Hùng Lâm, Đống Đa, Hà Nội, trong các đồ điện tử gia dụng, hầu hết mọi người chú ý đến việc sử dụng hợp lý bóng đèn, điều hòa, quạt, bình nước nóng lạnh… vì nghĩ chúng có công suất lớn, mà ít khi để ý đến nồi cơm điện.
Trong khi thực tế, nồi cơm điện với công suất khoảng 500 – 900W cộng thêm với việc sử dụng thường xuyên cũng là nguồn tiêu thụ điện năng tương đối lớn trong các gia đình.
Có nhiều nguyên nhân khiến nồi cơm điện gây tốn điện. Trong đó điển hình nhất là việc lựa chọn nồi lúc mua. Hầu hết mọi người đều không biết số lượng người trong gia đình thì nên mua loại nồi có công suất và dung tích bao nhiêu thì hợp lý.
Mọi người mua theo cảm tính, thậm chí có người còn thích mua nồi to để nấu cơm cho ngon. Thực tế, quan điểm này là rất sai lầm. Việc chọn nồi có công suất và dung tích phù hợp với số người trong gia đình là rất cần thiết để tránh lãng phí cả về giá thành lẫn khả năng tiêu tốn điện năng trong quá trình sử dụng. T
ốt nhất nếu gia đình bạn có 2 – 4 người thì nên chọn loại nồi có dung tích 1 – 1,5 lít và công suất 450 – 600W, nếu gia đình bạn có 3 – 6 người thì chọn nồi có dung tích từ 1,5 – 1,8 lít, công suất từ 650 – 850W là hợp lý nhất.
Lạm dụng ủ nóng
Nhiều người cho rằng, nấu cơm phải nấu sớm, cơm chín được ủ lâu mới ngon. Tương tự, cơm sau bữa ăn không hết thì cứ để trong nồi cơm điện, bật nút chờ ủ cơm để bảo quản cơm. Những thói quen này là vô cùng sai lầm gây tốn điện một cách không cần thiết.
Thực tế, không nên nấu cơm quá sớm, chỉ nên nấu cơm trước bữa ăn từ 30 – 45 phút là hợp lý. Khoảng thời gian này đủ để cơm chín tới đồng thời hạn chế thời gian ủ nóng, tránh gây tốn điện.
Ngoài ra, theo ông Trần Văn Đông, đầu bếp Nhà hàng Vinh Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, ngay sau khi bữa ăn kết thúc, bạn chỉ cần lấy muôi “vun” cho cơm gọn lại sau đó cắm lại cơm cho nóng, đây được gọi là quá trình thanh trùng bởi trong quá trình ăn, cơm có thể đã bị nhiễm khuẩn, sau khi cơm đã nóng thì rút phích điện ra và cứ để như vậy.
Đến bữa sau nếu cơm bị cứng thì bạn có thể vẩy ít nước nóng vào và đảo lại cơm cho cơm đỡ khô sau đó cắm lại cho nóng. Cách này cơm vẫn ngon mà không gây tốn điện.
Mở vung đảo cơm liên tục
Nhiều người cho rằng, cơm mà không đảo thì không đều nước, cơm chỗ rắn chỗ nát, ăn không ngon, vì thế trong suốt quá trình nấu liên tục đảo cơm, chẳng hạn nước vừa sủi lên thì đảo lần một cho gạo không vón cục, khi sôi đảo tiếp lần nữa để gạo chín đều, sau đó, cơm đã chín rồi lại tiếp tục đảo thêm lần nữa.
Ông Trần Văn Đông cho rằng, cách làm này là hoàn toàn sai lầm. Trong quá trình nấu, đảo cơm là việc làm đúng vì nhiệt độ trong nồi cơm không đều nhau đảo lại cơm sẽ giúp hạt gạo chín đều hơn, cơm ngon hơn. Tuy nhiên, khi nấu nồi cơm điện thì việc này là không cần thiết, đặc biệt là với nồi cơm điện cao tần.
Với nồi cơm điện thông thường, nếu muốn bạn cũng chỉ nên đảo cơm một lần trong lúc cơm đang sôi. Việc bạn mở nắp nồi liên tục và đảo nhiều lần có thể làm hơi trong nồi cơm bay nhanh ảnh hưởng đến quá trình chín của hạt gạo,làm mất mùi thơm đặc trung của gạo.
Ngoài ra, việc mở vung liên tục, khiến hơi nóng bay đi làm chậm quá trình chín gây tốn điện.
Quên vệ sinh nồi
Liên quan đến việc vệ sinh nồi cơm điện, hầu hết mọi người thường chỉ vệ sinh mặt ngoài của nồi bằng khăn sạch thấm nước, mà ít để ý đến việc vệ sinh đáy nồi và mâm nhiệt. Thực tế, việc bạn quên vệ sinh đáy nồi và đặc biệt là mâm nhiệt sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả truyền nhiệt, từ đó gây tốn điện.
Theo đó, bạn phải vệ sinh nồi cơm điện từ trong ra ngoài. Bạn chỉ cần dùng khăn sạch, nước ấm, chà nhẹ theo hình vòng tròn vài lần. Sau khi vệ sinh xong bạn hãy lấy một chiếc khăn khô để lau lại một lần nữa. Bạn tuyệt đối tránh việc dùng giấy nhám hoặc các vật nhọn để vệ sinh đáy nồi và mâm nhiệt, tránh cho chúng bị trầy xước.
Huy Khánh