Hiện nay trên thị trường, sản phẩm loa sạc dự phòng rất đa dạng từ kích thước, thiết kế, hình dáng cho đến màu sắc. Giá thành của các dòng sạc dự phòng từ 500.000 đồng đến khoảng vài triệu đồng, như: sạc dự phòng Energizer 20.000mAh UE20012PQ (690.000 đồng); sạc dự phòng Ugreen 25000mAh 145W 2 chiều 2C1A 90597A (1.790.000 đồng); sạc dự phòng Anker 737 Powercore 24000 140W A1289 (2.990.000 đồng),....
Ngoài ra, thị trường còn xuất hiện nhiều dòng giá rẻ, như: sạc dự phòng 30.000MAH (chỉ 47.000 đồng); sạc dự phòng Z10 (86.000 đồng) hay Sạc dự phòng 20.000mah WP161 (169.000 đồng)… Ham giá “mềm”, một số người khi đã mua dòng sản phẩm trên rồi nhận quả đắng.
Anh Vũ Tiến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, sản phẩm rất kém, chỉ dùng được vài lần là hỏng, vứt bỏ không sử dụng được nữa.
“Sạc nhanh nóng, vào pin chậm, thậm chí còn làm hao hụt pin điện thoại. Dùng được 1, 2 lần cắm sạc thì không lên pin. Nói chung, tôi rất thất vọng”, anh Tiến nói.
"Điện thoại của tôi bỗng dưng thao tác khó khăn, cảm ứng gặp trục trặc, hễ chọn ứng dụng này thì nó ra ứng dụng khác, đôi khi xuất hiện những đường màu lạ. Tình trạng này xảy ra từ sau khi dùng sạc dự phòng giá rẻ", anh Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Anh Minh Tuấn, chủ cửa hàng điện thoại chính hãng tại Hà Nội cho biết, người dùng không nên mua những mẫu sạc có dung lượng cao giá rẻ, ví dụ như 10.000 mAh nhưng giá bán chưa tới 100.000 đồng. Những mẫu sạc này hay bị khai khống dung lượng, dùng lõi pin không đảm bảo chất lượng hoặc cả hai.
“Người dùng nên lựa chọn sạc dự phòng có thương hiệu và nhà phân phối uy tín, nên xem kỹ tem bảo hành, tem xuất xứ… và chế độ bảo hành lâu dài. Bên cạnh đó, cần trang bị các kiến thức về mẫu sạc nào đó trước khi mua. Ví dụ, Samsung chỉ bán mẫu có dung lượng 5.200 mAh và 10.200 mAh tại Việt Nam, còn các mẫu dung lượng khác như 20.000 mAh, 30.000 mAh đều có thể là hàng giả”, anh Tuấn nói thêm.