Hàng giả, hàng nhái “tung hoành” dịp cận Tết

Càng gần đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa càng tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn.

Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái lại nóng

Chị Trần Thị Trúc Quỳnh, ngụ ở quận Phú Nhuận, TP HCM chia sẻ, ngoài việc mua trực tiếp ở các siêu thị, chị còn có thói quen mua sắm trên sàn thương mại điện tử, với nhiều mặt hàng được rao bán giá rẻ như thực phẩm chế biến, hàng gia dụng, quần áo, giày dép…

“Hàng hoá, sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử rất đa dạng về mẫu mã, nhưng nguồn gốc xuất xứ thì thật giả lẫn lộn, khiến người mua như tôi rất khó phân biệt. Bản thân tôi từng mua một cái nồi chiên không dầu có giá sale 1,6 triệu đồng, không có nhãn mác của nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, trong khi tại cửa hàng chính hãng đang bán sản phẩm này với giá lên đến 4,6 triệu đồng”, chị Quỳnh hoang mang.

Chị Nguyễn Thị Mai, ngụ ở quận 10, TP HCM cũng cho biết, vừa rồi chị mua đôi giày Crocs tại một trung tâm thương mại, với giá sale chỉ có 750.000 đồng. Lúc mua tưởng họ giảm giá thật, giờ mới biết mình mua phải hàng giả giá cao, bởi hàng chính hãng (kể cả khi giảm giá) giá bán không dưới 1 triệu đồng, thậm chí trên 3 triệu đồng/đôi.

“Đi một thời gian tôi phát hiện sản phẩm “dỏm” này rất dễ bị phai màu và nhanh bị bẩn, không rửa sạch được”, chị Mai chia sẻ.

Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. (Nguồn: QLTT)

Tết cận kề, hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. (Nguồn: QLTT)

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, nhận thấy rõ tình trạng gia tăng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các chợ, trung tâm thương mại… thời gian qua lực lượng quản lý thị trường TP HCM đã liên tục kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này như “bắt cóc bỏ đĩa”, sau một thời gian ngắn lại tái diễn, đặc biệt là trên các nền tảng thương mại điện tử.

Mới đây, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một hộ kinh doanh tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn và phát hiện 82 vỏ loa thùng bằng gỗ đã sơn nhưng không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc, được quảng cáo trên mạng xã hội Facebook với tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Cũng tại địa bàn này, lực lượng chức năng phát hiện hơn 70 sản phẩm thời trang có dấu hiệu giả thương hiệu Louis Vuitton đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam và rao bán trên mạng xã hội.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Công an quận 12 tiêu hủy 14.114 đơn vị sản phẩm hàng hóa nhập lậu, không rõ xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu với tổng trị giá hơn 653 triệu đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là ngành hàng điện tử, mỹ phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế…

Cần sự đồng thuận của toàn xã hội

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, hiện nay, để trốn tránh lực lượng chức năng, các doanh nghiệp và hộ kinh doanh chuyển từ bán hàng trực tiếp sang mạng xã hội hoặc các sàn giao dịch thương mại điện tử. Do sử dụng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, các đối tượng này đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng bị cuốn hút bởi các sản phẩm giá rẻ mà không quan tâm nhiều đến nguồn gốc, chất lượng. Điều này vô tình tiếp tay cho thị trường hàng giả phát triển.

Lực lượng quản lý thị trường TP HCM kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm giả, nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Nguồn: QLTT

Lực lượng quản lý thị trường TP HCM kiểm tra và thu giữ nhiều sản phẩm giả, nhái tại Trung tâm thương mại Saigon Square. Nguồn: QLTT

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận định, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại do sự bất chấp vì lợi nhuận của người kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng và chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Hàng giả làm trì trệ kinh tế, gây bất ổn xã hội, thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, một chuyên gia khác khẳng định, cùng với công tác kiểm tra, xử lý cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng về tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng để mở rộng phạm vi và hình thức tuyên truyền, giúp mọi người nắm rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một thị trường lành mạnh, bền vững. Bởi, mọi hoạt động muốn đạt được hiệu quả cao không chỉ cần có sự quyết tâm cao độ của cơ quan chức năng mà còn cần có sự đồng thuận từ xã hội và người dân. Chỉ khi mọi người dân, doanh nghiệp đều nhận thức sâu sắc và tự giác tuân thủ pháp luật thì mới có thể xây dựng một thị trường lành mạnh, công bằng và phát triển bền vững, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa ký Văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ..

Theo Đời sống
back to top