Có nên dùng chlorpheniramin trị viêm mũi dị ứng quanh năm?

Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin H1 thuộc nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng (theo mùa và quanh năm)…

Hỏi: Tôi 45 tuổi, bị bệnh viêm mũi dị ứng quanh năm. Tôi đã uống thuốc chống dị ứng chlorpheniramin trong 1 tuần thì thấy đỡ. Nhưng bệnh của tôi lại hay tái phát nên tôi phải dùng thuốc này thường xuyên. Việc dùng thuốc như thế này có gây hại gì không? Có cách nào chữa dứt điểm bệnh viêm mũi dị ứng không?

Nguyễn Thanh (Hà Nội)

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/co-nen-dung-chlorpheniramin-tri-viem-mui-di-ung-quanh-nam1.jpg

Ảnh minh họa.

Theo DS Trần Lan Anh chia sẻ trên SKĐS: Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin H1 thuộc nhóm thuốc có tác dụng chống dị ứng, được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm mũi dị ứng (theo mùa và quanh năm) và các triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, phù mạch, dị ứng thức ăn; phản ứng huyết thanh; côn trùng đốt; ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu…

Với trường hợp bị viêm mũi dị ứng quanh năm như bạn thì bệnh gây rất nhiều phiền toái, có thể dị ứng bất cứ tác nhân nào và bất cứ khi nào. Triệu chứng chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi… khiến người bệnh rất khó chịu. Chlorpheniramin chỉ có tác dụng chữa triệu chứng (làm giảm tình trạng chảy nước mũi, hắt hơi, ngứa mũi…) chứ không chữa được nguyên nhân gây dị ứng.

Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng chlorpheniramin theo từng đợt (khi có triệu chứng dị ứng) và mỗi đợt không nên kéo dài. Do thuốc có tác dụng an thần nên khi uống thuốc cần nghỉ ngơi, tránh lái xe hoặc vận hành máy móc. Ngoài ra, thuốc có thể gây hoa mắt, chóng mặt, nhìn mờ và suy giảm tâm thần vận động… Đây là những tác dụng phụ của thuốc mà người dùng có thể gặp phải.

Không được dùng chlorpheniramin trong các trường hợp: Người bệnh đang có cơn hen cấp, loét dạ dày. Đối với trường hợp mắc bệnh phổi mạn tính và trẻ em dưới 2 tuổi, khi dùng thuốc có chứa chlorpheniramin, đề phòng nguy cơ biến chứng đường hô hấp, suy giảm hô hấp…

Do các chứng bệnh dị ứng là bệnh liên quan nhiều yếu tố, chủ yếu do di truyền, cơ địa nên người bệnh thường phải sống chung với bệnh, rất khó có loại thuốc nào có thể điều trị dứt điểm viêm mũi dị ứng.

Bạn nên đi khám bệnh để được tư vấn thêm các biện pháp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng, loại trừ các tác nhân gây bệnh. Bạn cũng không nên quá căng thẳng khiến tình trạng dị ứng nặng hơn.

Chúc bạn thành công!

Mai Nguyễn (tổng hợp)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top