Hỏi: Tôi bị ung thư bàng quang. Khi điều trị, bác sĩ bắt bỏ thuốc lá và nói nguyên nhân là do hút thuốc. Thực tế, từ trước đến nay tôi chỉ nghe nói hút thuốc gây ung thư phổi chứ sao lại cả bàng quang. Xin hỏi, cơ chế tác động ra sao? Bị bệnh rồi bỏ thuốc còn có ý nghĩa gì?
Trần Mạnh Quân (Khoái Châu, Hưng Yên)
GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Hút thuốc lá một nguy cơ ung thư bàng quang đã được biết rõ, chiếm khoảng 30% ung thư bàng quang ở phụ nữ và khoảng 50% các trường hợp ở nam giới. Nghiên cứu cho thấy, thời gian hút thuốc càng dài và càng nặng thì nguy cơ bị ung thư càng cao. Hút thuốc từ mức độ trung bình tới nặng có nguy cơ bị mắc ung thư cao hơn khoảng 2 – 5 lần so với người không hút.
Mối liên quan có khả năng xảy ra cao nhất giữa sử dụng thuốc lá và ung thư bàng quang là sự phơi nhiễm của mô bàng quang với các sản phẩm chuyển hóa gây ung thư từ thuốc lá có trong nước tiểu. Bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ bàng quang ở người hút thuốc lá.
Khi phân tích 11 nghiên cứu, tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế cho thấy nguy cơ ung thư bàng quang ở người đã từng hút thuốc giảm gần như lập tức sau khi bỏ thuốc và tiếp tục giảm theo thời gian. Tuy nhiên, nguy cơ này không bao giờ giảm tới bằng nguy cơ của người chưa bao giờ hút thuốc, nó giảm khoảng 35% trong 4 năm đầu sau khi bỏ thuốc và giảm 60% sau 25 năm sau đó.