Chuyên gia chỉ rõ lý do tại sao ung thư khó điều trị?

Trên con đường tìm cách điều trị ung thư thì câu hỏi “tại sao ung thư lại khó điều trị” được cả thế giới quan tâm, tiêu tốn không biết bao công sức và tiền bạc.

Dưới đây là một số lý do khiến ung thư đặc biệt khó điều trị.

Ung thư không phải là một căn bệnh duy nhất

Để hiểu tại sao ung thư lại khó chữa đến vậy, điều quan trọng đầu tiên là cần hiểu ung thư không phải là một căn bệnh cụ thể mà là thuật ngữ chung cho hơn 200 bệnh khác nhau.

Mỗi loại ung thư chính lại có nhiều nhóm nhỏ, mang các đặc điểm di truyền và phân tử khác nhau. Nguyên nhân là do ung thư phát triển từ tế bào của cơ thể nên các tế bào ung thư cũng đa dạng như chính các tế bào của cơ thể chúng ta.

Vô số đột biến tồn tại

Nguyên nhân của ung thư là do đột biến vật liệu di truyền của tế bào, cụ thể là ADN. Hơn 200 bệnh ung thư nói trên là do vô số đột biến gen khác nhau gây ra. Ung thư hình thành từ sự tích tụ của các đột biến ADN và khi ung thư phát triển thì sẽ càng có nhiều đột biến khác nhau xuất hiện.

Điều này có nghĩa hai người mắc cùng một loại ung thư nhưng có thể do xuất phát từ các đột biến khác nhau. Những loại phổ biến hơn sẽ được nghiên cứu nhiều hơn để tìm phương pháp điều trị phù hợp.

Tuy nhiên, với những loại đột biến hiếm gặp thì những phương pháp điều trị này lại ít hoặc không có tác dụng. Do đó, một loại thuốc có tác dụng với bệnh nhân ung thư này nhưng lại có thể không tác dụng với bệnh nhân khác.

ThS.BS Trần Đức Cảnh chuẩn bị nội soi cho bệnh nhân

ThS.BS Trần Đức Cảnh chuẩn bị nội soi cho bệnh nhân

Các tế bào ung thư trong một khối u không giống nhau

Các tế bào ung thư trong cùng một khối u có thể có những đột biến khác nhau. Các đột biến mới có thể xuất hiện, khác với đột biến ban đầu.

Do vậy, một phương pháp điều trị có thể tiêu diệt tất cả một loại tế bào giống nhau trong khối u nhưng những tế bào khác có thể sẽ kháng thuốc và tiếp tục tồn tại sau quá trình điều trị, phát triển tăng số lượng.

Đây cũng là lý do khiến nếu không được phát hiện sớm, ung thư sẽ di căn sang những cơ quan khác trong cơ thể, làm xuất hiện nhiều đột biến mới hay những dòng tế bào ung thư mới, tồn tại trong máu và tiếp tục di căn.

Phương pháp điều trị cuối cùng có thể không còn hiệu quả

Các đột biến gen mà các tế bào ung thư có được theo thời gian khiến các tế bào này thay đổi cách thức hoạt động. Đây có thể trở thành vấn đề rất khó với việc điều trị.

Vì đột biến có thể khiến các tế bào ung thư hình thành khả năng kháng lại phương pháp điều trị và sau thời gian đáp ứng tốt với phương pháp điều trị ban đầu nhưng sau đó phương pháp này có thể không còn hiệu quả nữa. Khi đó, bệnh nhân sẽ cần có phương pháp điều trị khác.

Tuy nhiên, việc kháng lại phương pháp điều trị mới đang áp dụng có thể sẽ xuất hiện và có thể sẽ không còn phương pháp điều trị thay thế nào khác.

Tế bào ung thư có khả năng sống sót rất tốt

Các tế bào bình thường có cơ chế 'an toàn' để ngăn chúng phát triển hoặc phân chia quá mức, hàng ngày hệ thống miễn dịch của cơ thể cũng sẽ phát hiện và tiêu diệt các tế bào bất thường có nguy cơ.

Tuy nhiên các tế bào ung thư không có cơ chế này và chúng có thể ẩn náu khỏi hệ thống miễn dịch nên chúng vẫn tồn tại và tiếp tục phát triển không kiểm soát được. Tế bào ung thư có thể hình thành rất nhiều phương thức để lẩn tránh sự tiêu diệt của cơ thể.

Liệu có bao giờ có cách chữa khỏi bệnh ung thư?

Sẽ không có một phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh ung thư vì đây không phải là một căn bệnh độc nhất và cũng phải chỉ có một nguyên nhân duy nhất.

Tuy nhiên, những tiến bộ trong hiểu biết của con người về bệnh ung thư sẽ giúp chúng ta tìm ra những phương pháp điều trị mới cho các bệnh ung thư này.

Hy vọng trong tương lai con người có thể khám phá những phương thức mới để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị tất cả các loại ung thư.

Những loại ung thư nào có thể được chữa khỏi?

Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu khoa học, tỷ lệ sống sau ung thư ở Anh đã tăng gấp đôi từ những năm 1970. Hiện tại, cứ hai người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì một người có hy vọng sống sót được thêm 10 năm hoặc hơn sau khi phát hiện.

Một số bệnh ung thư đã có những tiến bộ vượt bậc trong điều trị so với những bệnh ung thư khác. Tỷ lệ sống sau ung thư vú được cải thiện đáng kể và tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ở Anh ngày nay là 85%.

Ngoài ra là những tiến bộ trong điều trị ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung ở Scotland đã giảm mạnh gần 15% kể từ năm 1993 và các nhà khoa học hy vọng có thể xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này bằng sàng lọc và vắc xin ngừa HPV.

Một số bệnh ung thư khác lại ít có tiến bộ trong việc điều trị. Mặc dù đã nỗ lực nghiên cứu, nhưng tỷ lệ sống của bệnh nhân sau chẩn đoán ung thư tuyến tụy tại Anh vẫn ở mức thấp, chưa đến 8%.

ThS.BS Trần Đức Cảnh, Khoa Nội soi và thăm dò chức năng, bệnh viện K Trung ương

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top