Tiếp cận công nghệ mới phát triển thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam

Ung thư là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Khoảng 25% tổng số thuốc chống ung thư mới được phê duyệt có liên quan đến các sản phẩm tự nhiên, nhưng ở nước ta vẫn chưa có thành phẩm nào.

Mỗi năm cả nước có gần 200 nghìn ca ung thư mới

Ung thư là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Theo số liệu mới nhất của GLOBOCAN, trong năm 2020, Việt Nam có 182.563 người mắc mới và hơn 122.690 ca tử vong.

Trong bối cảnh đó, tháng 1/2024, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM tổ chức Hội thảo "Tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam". Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng chung và tìm giải pháp trong chẩn đoán và điều trị ung thư.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 15 báo cáo viên và khoảng 200 đại biểu tham dự. Các báo cáo xoay quanh 2 chủ đề:1 - tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư và 2 nghiên cứu phát triển thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Với các báo cáo khoa học đến từ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Chợ Rẫy, Viện Dược liệu, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Dược Hà Nội, Khoa Y – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CP Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định, Đại học Lunds – Thụy Điển, Đại học Y khoa Trung tâm Florida – Hoa Kỳ và Viện Kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo đã đánh giá tổng quát về thực trạng chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam trong thời gian gần đây.

Báo cáo viên trong hội thảo.

Báo cáo viên trong hội thảo.

Các kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới đều đã được các bác sĩ Việt Nam

Tại hội thảo, GS. TS. Mai Trọng Khoa, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, đã giới thiệu những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta hiện nay. Báo cáo cho thấy hầu hết các kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới đều đã được các bác sĩ Việt Nam tìm hiểu, học hỏi ứng dụng.

Tuy kinh phí y tế có hạn nhưng việc chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta đã đạt được một trình độ chuyên môn cao hơn hẳn các nước có cùng điều kiện kinh tế và cũng đã tiệm cận với các nước tiên tiến. Thậm chí có những lĩnh vực chẩn đoán như PET/CT chúng ta đã đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến.

Theo TS. Phan Thị Hồng Đức, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh và TS. Đào Văn Tú, Bệnh viện K Trung ương, các phương pháp điều trị mới như liệu pháp miễn dịch, thuốc điều trị trúng đích, ... đã mang đến những thay đổi sâu sắc trong thực hành điều trị ung thư, là thành tựu vô cùng quan trọng giúp nâng cao chất lượng điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia đầu ngành trong cả nước

Hội thảo nhận được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia đầu ngành trong cả nước

Cung ứng thuốc sản xuất trong nước quá nhỏ bé so với nhu cầu điều trị

Trong công tác dược bệnh viện, TS.DS Nguyễn Đức Trung, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, cũng giới thiệu việc pha chế phân liều thuốc ung thư tại Bệnh viện nhằm bảo đảm an toàn và tiết kiệm tổng lượng thuốc tiêu thụ. Hội thảo đánh giá, dù đội ngũ thầy thuốc đã cố gắng hết khả năng nhưng năng lực cung ứng thuốc sản xuất trong nước vẫn còn quá nhỏ bé so với nhu cầu điều trị.

Tuy nhiên, việc nghiên cứu sản xuất thuốc ung thư là việc vô cùng khó khăn và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều nguồn lực, đặc biệt là gánh nặng kinh phí và thời gian.

Theo TS. Trần Thị Hiền, Đại học Lunds, Thuỵ Điển, ngay cả những nước tiên tiến cũng phải tốn từ 10-30 năm và kinh phí 500 triệu đến 2 tỷ đô la mới có thể phát minh ra một thuốc mới.

Theo PGS. TS. Đỗ Thị Hà, Phó viện trưởng Viện dược liệu, nghiên cứu thuốc kháng ung thư từ dược liệu là một trong những xu hướng của thế giới phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Trên thế giới, từ năm 1981 đến năm 2019, khoảng 25% tổng số thuốc chống ung thư mới được phê duyệt có liên quan đến các sản phẩm tự nhiên.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nước ta có hàng chục đề tài nghiên cứu cấp Bộ và ngang Bộ về dược liệu kháng ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thành phẩm nào được phê duyệt cấp số đăng ký. Vì vậy, đẩy mạnh các nghiên cứu về dược liệu trị ung thư là một nhiệm vụ cấp thiết của ngành Dược.

Tổng kết về Hội thảo, PGS. TS. Trần Việt Hùng đánh giá Hội thảo đã phác họa một cái nhìn toàn cảnh về việc tiếp cận công nghệ mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở nước ta, giúp cho bệnh nhân có thể tiếp cận với những tiến bộ mới với chi phí hợp lý, không phải ra nước ngoài chữa trị.

Những khó khăn khiến cho bệnh nhân ung thư chưa thể tiếp cận được với những kỹ thuật tiên tiến mới nhất không hẳn là do trình độ của các chuyên gia, y bác sĩ mà còn là vì chi phí để tiếp cận các liệu pháp ấy còn cao so với khả năng tài chính của đa số bệnh nhân.

Việc xã hội hóa các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới cũng như sự hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức quốc tế cũng đã mở ra những tia hy vọng cho bệnh nhân ung thư được điều trị tốt nhất có thể.

TS. Nguyễn Thanh Hà (Phó Viện trưởng, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM)

Theo Đời sống
back to top