Chuyên gia chỉ cách hạn chế phải sử dụng thức ăn thừa

Người nấu nên tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho gia đình hay tập thể, để hạn chế phải sử dụng thức ăn thừa từ bữa này qua bữa khác.
Mọi người hoàn toàn có thể tận dụng được thức ăn thừa cho bữa sau nhưng phải là những món chưa động đũa và được bảo quản đúng cách. Ảnh minh họa: Unsplash.

Mọi người hoàn toàn có thể tận dụng được thức ăn thừa cho bữa sau nhưng phải là những món chưa động đũa và được bảo quản đúng cách. Ảnh minh họa: Unsplash.

Câu chuyện sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết phải ăn lại cơm, canh thừa, thức ăn có dị vật... khiến nhiều người bức xúc.

Về góc độ sức khỏe, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết ông rất bất ngờ trước hành vi xem thường sức khỏe sinh viên của nhà ăn này.

Lây nhiễm chéo vi khuẩn khi ăn cơm canh thừa

"Chắc chắn đây là hành động không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đơn vị cung cấp suất ăn đã làm việc thiếu văn minh và quá coi thường sức khỏe sinh viên", PGS Thịnh bức xúc nói với Tri Thức - Znews.

PGS Thịnh cho hay để tiết kiệm thực phẩm, người dân có thể tái sử dụng những thức ăn còn thừa từ bữa trước. Tuy nhiên, đó là những thức ăn chưa "động đũa" đến và được bảo quản đúng cách. Tất cả thức ăn đã có nhiều người cùng gắp mà không sử dụng dụng cụ riêng đều nên loại bỏ.

Ông phân tích, thức ăn đã nấu chín, để ra ngoài môi trường sẽ có các vi sinh vật tấn công. Nhiệt độ môi trường bên ngoài không đảm bảo, để thức ăn càng lâu, nguy cơ nhiễm khuẩn càng lớn. Hơn thế, khi đã sử dụng, vi khuẩn ở trong miệng hay từ đũa, muỗng có thể có trong đó.

"Việc tận dụng thức ăn thừa làm tăng nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn. Người dân có thể lây nhiễm chéo là hoàn toàn có thể xảy ra", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, thức ăn thừa được lưu trữ, bảo quản không đúng cách khi ăn vào có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.

Chỉ nên nấu đủ ăn

Theo vị chuyên gia, để hạn chế phải sử dụng thức ăn thừa từ bữa này qua bữa khác, người nấu nên tính toán lượng thức ăn vừa đủ cho gia đình hay tập thể.

"Thực tế, thực phẩm đã nấu chín để bảo quản lâu được hay không tùy thuộc vào độ đạm và độ mặn của món ăn. Những thực phẩm giàu đạm như thịt, hải sản, trứng... nguy cơ bị ôi thiu hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập là rất cao. Nếu bạn kho, rim mặn có thể để 1-2 ngày không hỏng. Tuy nhiên, nếu chế biến nhạt, bạn chỉ nên sử dụng trong ngày và có bảo quản trong tủ lạnh", PGS Thịnh nói.

Người dân nên đựng thực phẩm trong những hộp đựng chuyên dụng có nắp kín để tránh vi khuẩn xâm nhập. Ảnh: Merkur.

Người dân nên đựng thực phẩm trong những hộp đựng chuyên dụng có nắp kín để tránh vi khuẩn xâm nhập. Ảnh: Merkur.

Ông cũng cho hay riêng với rau xanh chỉ nên để trong vòng 4-5 giờ, không nên "tiếc của" mà giữ lại đến ngày hôm sau.

Rau chế biến để lâu, các loại vi khuẩn sẽ phân hủy chúng, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, người dân không nên hâm nóng thức ăn nhiều lần, tốt nhất là chỉ chế biến thức ăn để ăn vừa đủ từng bữa hoặc hâm nóng 1-2 lần.

Việc hâm nóng lại thức ăn thừa sẽ khiến cho thực phẩm bị giảm dinh dưỡng hoặc biến chất. Đặc biệt là với các món như rau xanh, hải sản, nấm, khoai tây...

Vị chuyên gia cũng lưu ý nếu tích trữ đồ ăn nên lưu ý một số vấn đề sau:

Nên đựng thực phẩm trong những hộp đựng chuyên dụng có nắp kín để tránh vi khuẩn xâm nhập.

Các món ăn đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh 1-2 ngày.

Với các thực phẩm để qua đêm cần đun sôi lại trước khi ăn, sử dụng ngay trong vòng 4 giờ.

Theo tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Trang Thúy, Đại học Y Hà Nội, các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ngay sau khi chúng ta ăn thức ăn, hoặc một số trường hợp, vài ngày, thậm chí vài tuần sau đó. Các triệu chứng thường bao gồm:

Buồn nôn hoặc nôn

Đau bụng

Tiêu chảy có thể có nước hoặc máu

Sốt

Ngoài ra, vị chuyên gia thông tin thêm một số triệu chứng khác ít phổ biến có thể biểu hiện trên hệ thần kinh như nhìn mờ hoặc cảm giác chóng mặt.

Do đó, nếu các dấu hiệu ban đầu không được cải thiện và thấy nhịp tim nhanh, đi tiểu ít hoặc không có nước tiểu, tiêu chảy ra máu, sốt cao, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám để chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Theo Đời sống
Loại nước tốt cho tuyến giáp uống thường xuyên u, nhân xơ không phát triển

Loại nước uống tốt cho tuyến giáp

Bên cạnh việc điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, việc lựa chọn loại nước uống phù hợp cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tuyến giáp. Biết chọn đúng loại uống còn có thể kìm hãm nhân xơ phát triển.
Ai nên hạn chế ăn bạch tuộc?

Ai nên hạn chế ăn bạch tuộc?

Không chỉ là một món hải sản thơm ngon, bạch tuộc còn là nguồn cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên không phải ai cũng thích hợp ăn món này.
back to top