Chữa khô da, viêm da mùa đông bằng thảo dược

Thời tiết khô lạnh khiến cho làn da dễ gặp trục trặc với các vấn đề như khô da, ngứa da, nứt nẻ, thậm chí là viêm da cơ địa. Để giải quyết các vấn đề này nhiều người chọn các loại thảo mộc như củ đậu, dưa chuột hay lá trầu không… Các chuyên gia cho biết, không phải loại thảo dược nào cũng thích hợp trong điều trị các vấn đề khô da, viêm da.

Các chuyên gia cho biết, không phải loại thảo dược nào cũng thích hợp trong điều trị các vấn đề khô da, viêm da.

Coi chừng tác dụng ngược

Với các hiện tượng da khô, căng nứt, ngứa đỏ do khô nẻ, trên mạng hiện nay có rất nhiều công thức chữa bằng thảo mộc vừa đơn giản vừa rẻ tiền. Cụ thể, để chữa da mặt khô, nứt nẻ có thể dùng vài lát củ đậu, hay cà chua, dưa chuột thái mỏng đắp lên mặt; hay để chữa viêm da nhất là viêm da cơ địa do thời tiết, xuất hiện khá phổ biến ở trẻ nhỏ và những người có làn da mỏng, dễ mẫn cảm, mọi người bảo nhau dùng lá trầu không.

Lá trầu không rửa sạch, vò nát rồi chà nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương hoặc có thể lấy lá trầu không vò nát, cho vào cốc nước sôi hãm cho tinh dầu tan trong nước và dùng để rửa vùng da bị viêm. Theo các hướng dẫn trên mạng thì chỉ cần kiên trì thực hiện theo các này sẽ mang lại hiệu quả rất tốt và an toàn cho da…

Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam cho biết: Trong những loại hoa quả, thảo mộc kể trên có rất nhiều thứ có thể sử dụng để cải thiện tình trạng khô da, viêm da cơ địa do thời tiết khô hanh. Ví dụ, cà chua, dưa chuột, củ đậu có thể sử dụng để bổ sung nước cho da, vì thế khi bôi, đắp các loại này sẽ giúp cho da cải thiện được tình trạng thiếu nước, khô, rát, mẩn ngứa do căng, nứt nẻ.

Chuyên gia Nguyễn Minh Hương, Trung tâm Thẩm mỹ Trúc Lâm, Tây Hồ, Hà Nội cũng cho biết, ưu điểm của các loại thảo mộc tự nhiên này là nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm nên mọi người có thể dễ dàng sử dụng, rất tiết kiệm. Thành phần nguyên liệu tự nhiên an toàn, khi dùng không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên, cần lưu ý khâu vệ sinh và làm sạch da trước khi đắp mặt, cũng như bôi thoai kem dưỡng khóa ẩm sau đó mới mong có kết quả.

Đối việc sử dụng lá trầu không, một “bài thuốc” khá phổ biến trên mạng để chữa viêm da cơ địa, theo lương y Nguyễn Văn Sử, thực chất là không nên dùng. Lá trầu không có tính sát khuẩn rất tốt, tuy nhiên, lại có tính nóng.

Ở viêm da cơ địa, nhiều trường hợp, không chỉ dừng lại là ngứa mà còn bị nổi sẩn thành từng đám và thấy xuất hiện mụn nước tiết dịch, lúc này nếu bôi, đắp lá trầu không, tính nóng của lá trầu không có thể còn làm cho vết lở loét trầm trọng hơn.

Trong đông y, một loại thảo dược có thể sử dụng hợp lý cho viêm da cơ địa là hoa kim ngân. Tác dụng của kim ngân là giải độc, thanh nhiệt, sát khuẩn rất tốt, vì vậy nên đun lấy nước uống hàng ngày, bên cạnh các cách chăm sóc, bảo vệ da thông thường.

Lương y Nguyễn Văn Sử

Bảo vệ da trước thời tiết hanh khô

Theo các chuyên gia, vào mùa khô lạnh, tốt nhất cần chú ý bảo vệ da, ngăn ngừa các bệnh về da, trước khi da bị khô nứt nẻ, sẩn ngứa, viêm da. Trong đó, việc quan trọng đầu tiên cần làm là giữ vệ sinh cho da: việc tắm rửa, vệ sinh thân thể hàng ngày là rất cần thiết, kể cả mùa đông vì nó có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, tế bào da chết, tránh tình trạng nhiễm trùng da, làm trầm trọng hơn các vấn đề về da.

Khi tắm chỉ nên dùng nước đủ ấm, không chà xát mạnh. Nên dùng các loại xà phòng, sữa tắm có tác dụng diệt khuẩn, thân thiện với làn da, đồng thời có thêm thành phần dưỡng da, để đạt được mục đích loại bỏ vi khuẩn và bảo vệ da tốt hơn. Trong các hoạt động hàng ngày, nên hạn chế sử dụng nước quá nóng, tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa mà không sử dụng bao tay. Dùng kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, nhất là những lúc vừa tắm xong.

Đặc biệt với việc chăm sóc da mặt, không nên vì lạnh mà giản tiện các bước làm sạch và chăm sóc, dưỡng ẩm cho da. Hàng ngày vẫn nên tẩy trang, rửa mặt sáng tối với kem hay sữa rửa mặt, tẩy da chết hàng tuần, và dùng nước hoa hồng giúp cân bằng da ngay sau bước làm sạch, có thể đắp mặt nạ và thoa kem dưỡng giúp da được cung cấp đủ độ ẩm.

Bổ sung nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể cũng là cách bảo vệ da từ bên trong. Chú ý ăn nhiều loại rau, củ quả mọng nước. Khi da khô căng nứt, bị ngứa nhiều, vùng ngứa lan rộng, kéo dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được chỉ định dùng thuốc phù hợp, không nên tự hoặc gãi mạnh gây trầy xước, nhiễm trùng, viêm da.

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top