Chợ quê.
Trên đường từ Sơn La về Mộc Châu, có đoạn bán rất nhiều chuối tây. 5000đ/kg, khoảng 30.000-35.000đ/ buồng, rẻ rất nhiều so với ở Hà Nội. Thế nên xe đỗ lại, mọi người mua rất nhiều, có người mua đến 3 buồng.
Người dân lại ra ngay vườn hái cả quả me chua để bán, cũng 5000đ/kg, trong khi ở Hà Nội 5000đ chỉ được 3-4 quả me. Lại ào ào mua, có người lấy cả một bao tải. Mua rồi thì hồ hởi, hào hứng, ngồi tính về nhà sẽ mang biếu ai, chia cho những nhà nào…
Còn tại Mộc Châu, phía ngoài một nhà hàng, mấy đứa trẻ, mấy phụ nữ người dân tộc mang cải mèo, su su, khoai sọ, táo… ra bán. Một bó cải mèo nhỏ, 1kg su su, một túi táo… đồng giá 10.000đ.
Có lẽ cũng chẳng phải là rẻ lắm, nhưng mọi người vẫn mua rất nhiệt tình. Vì ai cũng nghĩ mua để ủng hộ đồng bào! Nhìn họ khổ như thế, thật thà như thế mà thương. Có người mua rồi còn biếu thêm cho bà lão bán hàng dăm mười nghìn.
Cái sự mua bán nhiều khi cũng vui thật, nó không chỉ đơn giản là sự trao đổi hàng hóa, mà còn là giao lưu, chia sẻ. Nhưng cái niềm vui ấy cứ mất dần, quên dần và phải đi xa đến như vậy chúng ta mới tìm lại được.
Có lẽ vì lâu nay mải chạy theo lợi nhuận người ta đã quên đi điều đó. Quan hệ giữa người mua với người bán đã trở thành một mối quan hệ cần phải cảnh giác. Người bán thì coi người mua như là đối tượng để “chặt chém”, nói thách đến giời, cho xem hàng tốt rồi bán cho khách hàng xấu…
Còn khách thì coi người bán là những kẻ gian dối, lừa lọc… không thể tin được. Vậy mà chúng ta phải sống trong mối quan hệ đó, trong sự cảnh giác đó hàng ngày. Vì bạn bè, người thân có khi cả tuần mới gặp nhau, còn bà bán rau, bán thịt ta phải gặp mỗi sáng.
Sống mà cứ luôn phải lo lắng, cảnh giác như thế thực chẳng còn gì là sung sướng. Nhưng khổ nỗi, không thế không được. Mua đắt còn là chuyện nhỏ có thể cho qua được, chứ rau quả nhiễm hóa chất, thịt lợn nhiễm thuốc tăng trọng, gà bơm nước, hàng giả, hàng kém chất lượng… thì không thể coi thường.
Thế nên mỗi khi được đi xa, ngoài việc ngắm núi rừng tuyệt đẹp, chụp ảnh và hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, tôi lại tranh thủ mua bán, chuyện trò với những người bán hàng rong, để được sống trong cảm giác thân thiện ấy.
Minh Anh