Viêm mô tế bào là một tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng ở da mô mềm khá phổ biến. Vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương: vết cắt, trầy xước, mụn nhọt, vết cắn, bỏng, vết thương phẫu thuật…lan tỏa cấp tính các tổ chức liên kết da và tổ chức dưới da gây đau, viêm tấy đỏ, phù nề ở vùng da tổ thương. Tổ chức viêm mô tế bào hay gặp nhất là vùng da ở mặt, cẳng chân, tuy nhiên tổn thương cũng có thể gặp ở bất cứ vùng da nào của cơ thể.
Khi bị viêm mô tế bào thường có biểu hiện: sốt, đỏ da lan rộng quanh vùng vết thương; sờ vào vùng da đỏ có cảm giác ấm, ấn đau, đôi khi thấy phù nhẹ khu trú, đặc biệt là vết thương ở gần vùng khớp, một số ít trường hợp có hạch gần nơi vết thương. Bệnh thường xảy ra ở những người bị mạch máu ngoại biên, người cao tuổi, thai nghén, béo phì, đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh suy tính mạch mạn tính, bệnh tự miễn, người thường dùng các thuốc corticoid, ức chế miễn dịch….
Nguyên nhân: Bình thường trên bề mặt da vẫn có vi trùng sinh sống, khi da bị tổn thương: vết thương, côn trùng đốt, vết cắn… sẽ gây tình trạng viêm, nhiễm trùng. Tác nhân thường gặp nhất là vi khuẩn Streptococcus pyogenes, kế đến là Staphylococcus aureus và ít gặp hơn là Pseudomonas, aeruginnosa….Đối với trường hợp được phát hiện sớm, bệnh nhân chỉ cần làm sạch vết thương, cắt lọc các mô hoại tử (nếu có) và dùng thuốc theo đơn bác sĩ tại nhà. Trường hợp nặng, bệnh nhân phải nhập viện điều trị như cắt lọc vết thương, dẫn lưu ổ viêm, phẫu thuật và dùng kháng sinh đường tĩnh mạch.
Viêm mô tế bào là bệnh nguy hiểm
Viêm mô tế bào có thể ở tình trạng viêm mô liên kết lan tỏa mức độ nhẹ kéo dài vài ngày nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời vi khuẩn có thể xâm nhập và phát tán rất nhanh có thể gây hoại tử, áp xe dưới da, viêm cơ, cân cơ, vào các hạch lympho, vào máu gây nhiễm trùng huyết, viêm hạch lympho, viêm tắc tĩnh mạch, viêm màng não và những nhiễm khuẩn nặng khác, bệnh nhân có thể tử vong.
Để hạn chế, phòng ngừa bệnh, cần tạo thói quen chăm sóc và giữ gìn da sạch sẽ. Các vết cắt, vết trầy xước, côn trùng đốt… chớ coi thường mà nên rửa sạch với xà phòng hoặc dung dịch xát khuẩn. Nên theo dõi diễn tiến vết thương, sau 2 – 3 ngày nếu thấy có dấu hiệu nặng lên như có mủ, sưng đau, đỏ tấy vùng da… phải đi khám bác sĩ tránh để tình trạng nặng nề.
ThS Trần Anh (Bệnh viện K)