Bệnh nhân Nguyễn Văn C. (61tuổi, Nam Định) phải nhập viện vì khó thở, khó nuốt, hạch lớn vùng cổ. Trên phim MRI có hình ảnh hạch kích thước lớn 14x15cm, xâm lấn khí quản, thực quản, xâm lấn động mạch cảnh gốc, tĩnh mạch cảnh trong, xâm lấn tổ chức xung quanh, xâm lấn da...
Nguyên nhân là do bệnh nhân đã phát hiện hạch cách đây gần 1 năm, khởi đầu nổi hạch vùng cổ phải hạch nhỏ, thỉnh thoảng đau, hạch to nhanh. Bệnh nhân đi khám ở cơ sở y tế tư nhân tại địa phương và được cho đơn điều trị kháng sinh, giảm viêm nhưng không đỡ.
Hạch to nhanh, chắc, đau nhiều, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện K được chẩn đoán hạch di căn chưa rõ nguyên phát, có chỉ định nhập viện điều trị. Nhưng do điều kiện kinh tế và dịch bệnh, người bệnh không điều trị.
Cách vào viện 2 tuần, bệnh nhân xuất hiện khó thở tăng dần, khó nuốt, hạch to nhiều, bệnh nhân trở lại Bệnh viện K thì được kết luận hạch di căn Carcinoma.
Lời bàn: Với các hạch cổ di căn chưa rõ nguyên phát khi tới khám người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm như siêu âm, X-quang, nội soi, CT, MRI, PET CT, tế bào, sinh thiết giải phẫu bệnh, các xét nghiệm máu cơ bản.
Nếu xác định được nơi nguyên phát của u, bệnh nhân sẽ được điều trị theo phác đồ. Nếu không xác định được nơi nguyên phát người bệnh sẽ được điều trị xạ và hoá chất theo định hướng, gợi ý kết quả giải phẫu bệnh và đánh giá lâm sàng của bác sĩ. Nếu đến sớm, hiệu quả điều trị sẽ tốt, người bệnh có thể khỏi bệnh. Trường hợp này đến muộn kết quả điều trị sẽ hạn chế vì hạch to, gây chèn ép khí quản. Khi hạch to chèn ép xâm lấn mạch máu gây vỡ hạch, chảy máu động mạch không cầm dẫn tới tử vong. Hạch di căn não, phổi, gan…
Mọi người cần lưu ý, khi xuất hiện hạch ở cổ, nách, bẹn... mà thấy hạch to nhanh, chắc, dính, đau... điều trị kháng sinh 7 - 10 ngày không đỡ, hãy đến các cơ sở bệnh viện chuyên khoa để khám, xác định bệnh. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời đưa lại hiệu quả điều trị tối đa.