Con trai nhỏ chúng tôi 4 tuổi, nhưng bữa cơm nào cũng chan đầy nước mắt. Chồng tôi vừa bón cơm cho cháu, vừa quát con bằng những lời lẽ thô tục. Nào “mày có ăn không, tao vả vỡ mồm mày bây giờ?”, “thằng khốn này, mày làm sao mà mồm mày cứ ngậm vào thế hả”… Con tôi sợ rúm ró cả người lại. Tôi mà có góp ý thì anh quát luôn cả tôi. Ngoài bữa cơm, trong cuộc sống, con làm gì không vừa ý anh cũng quát như vậy. Cả tôi nữa.
Nhưng ngoài những lúc cay nghiệt với con ra thì anh rất thương quý vợ con, có món gì ngon cũng phần. Tôi góp ý cho anh nhiều lần về việc cay nghiệt với con nhưng anh không nghe. Tôi cảm thấy vô cùng buồn và không biết làm sao để anh thay đổi, không cay nghiệt với con nữa. Cứ như thế này con chúng tôi sẽ mắc bệnh mất. Xin hãy giúp tôi!
Nguyễn Thị Phương Thảo (Bắc Ninh)
Chồng tôi hay dùng những lời lẽ nặng nề để mắng con. Ảnh minh họa.
Chị Phương Thảo thân, ngoài lúc quát nạt hay nóng giận, cay nghiệt với con, anh vẫn thể hiện là người chồng, người cha biết thương quý vợ con. Điều đó chứng tỏ anh ấy là người không biết quản lý cảm xúc của mình và cũng không nhận biết được những tác hại nguy hiểm từ những hành động, lời nói của anh ấy.
Vì vậy, trước tiên, chị cần cho anh ấy hiểu được điều đó. Ví dụ bằng cách sách báo, tài liệu nói về vấn đề nuôi dạy con. Nếu anh tỏ ra bất hợp tác, vẫn giữ nguyên cách hành xử của mình, thì chị cần kiên quyết. Đừng vì anh cũng quát nạt lại vợ mà chị im lặng. Bởi chị cũng chính là chỗ dựa của con. Nếu chị cam chịu hay hèn yếu, thì bé chính là nạn nhân khổ nhất. Vì thế, chị cần mạnh mẽ lên, không thỏa hiệp với hành vi của chồng. Vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, làm sao để anh nhận ra cái sai và thay đổi dần dần.
Tri Giao