Vợ tôi xinh đẹp, thông minh. Cô ấy thông thạo 4 ngoại ngữ, làm cho một công ty nước ngoài, cũng có chút vị trí, được sếp, đồng nghiệp đánh giá cao. Trong cuộc sống, mọi ý kiến cô ấy đưa ra đều có chứng cớ thuyết phục, khiến tôi không cãi được.
Tôi thì chỉ là một công chức bình thường, hết giờ làm về chơi với con, việc nhà thì đã có giúp việc lo. Ai cũng cho rằng tôi may mắn khi lấy được người vợ như thế. Nhưng chỉ có tôi mới hiểu được nỗi khổ của mình. Vợ quá giỏi khiến tôi mất tự tin.
Trong mọi cuộc tranh luận, tôi biết cô ấy sẽ thắng nên lâu dần cũng ngại, trở nên rụt rè, không muốn nói với vợ nữa. Điều nguy hiểm, nó ảnh hưởng tới cả chuyện gần gũi vợ chồng. Tôi không có được cảm giác mạnh mẽ của một người đàn ông khi ở bên cô ấy. Tôi yêu vợ, nhưng có lúc lại có cảm giác bị hấp dẫn với mấy cô bé mà tôi hướng dẫn thực tập. Vì các cô ấy ngưỡng mộ tôi. Tôi thấy thật nguy hiểm. Có phải tôi đã sai không?
Trần Đức Huy (Hải Phòng)
Ảnh minh họa internet
Anh Huy thân! Đàn ông vốn được cho là “phái mạnh”, trong đó có cả cái mạnh về thể chất, tiềm lực kinh tế, lẫn cả trí tuệ. Một khi đứng bên người phụ nữ của mình mà người đàn ông lại không có cảm giác mình là “phái mạnh” thì đi cùng với đó tất yếu sẽ là sự tự ti.
Tuy nhiên, sao anh không suy nghĩ theo chiều hướng ngược lại: rằng anh phải có ưu điểm vượt trội nào đó thì mới chinh phục rồi cưới được một người vợ quá giỏi như thế. Vậy thì anh cũng “giỏi” kém gì cô ấy đâu. Tất nhiên, cuộc sống luôn là sự vận động, nếu ở bên một người vợ luôn luôn trau dồi, nỗ lực vươn lên mà người chồng lại cứ dậm chân tại chỗ thì trước sau nhịp bước cũng lệch nhau.
Có nhiều cách để anh “vươn” lên cùng với vợ, ví dụ về kiến thức xã hội có thể cập nhật, trong công việc cố gắng làm tốt nhất có thể, đặc biệt là việc ân ái vợ chồng, lại càng phải chứng tỏ được “bản lĩnh đàn ông”, yêu chiều khiến cho vợ hạnh phúc. Chúc anh sớm lấy lại “phong độ”.
Tri Giao