Số liệu trên được đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) TP.HCM báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH).
Theo đó, tính đến 30/10, TP. HCM ghi nhận 1.300/1400 doanh nghiệp tại các KCN, KCX phục hồi sản xuất. Tuy nhiên các nhà máy này mới chỉ hoạt động 50 - 70% công suất.
Tổng số lượng lao động ghi nhận hoạt động trong các nhà máy này là hơn 216.000 người. Số lượng lao động về quê không cao, chỉ chiếm 11%, chủ yếu là lao động từ miền Bắc (1.300 người) và miền Trung (3.500 người).
Khoảng 23.000 lao động ở các tỉnh lân cận đã quay trở lại làm việc sau khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ.
Sở LĐ-TB&XH TP. HCM cho biết trong quý 4/2021 và quý 1/2022, TP sẽ cần thêm khoảng 60.000 lao động để các doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh sản xuất.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, TP. HCM có hiện tượng thiếu lao động cục bộ nhưng tình trạng không trầm trọng.
Lực lượng lao động tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất không biến động lớn. Số lượng lao động ngoại tỉnh rời thành phố về quê chủ yếu là lao động tự do.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc với đối với lao động về quê chưa quay trở lại làm việc, có chính sách hỗ trợ khi lao động quay trở lại.
Còn với những lao động có nhu cầu ở lại địa phương, ông Dung đề nghị các tỉnh cần có chính sách chăm lo việc làm tại chỗ.