Theo thống kê của VietnamWorks, tới thời điểm hiện tại có hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19.
Trong đó, 41,5% người lao động đã thôi việc và chưa có việc làm mới, hơn 30% nằm trong diện cắt giảm nhân sự của công ty.
Những lao động còn việc làm thì cũng có tới gần 25% bị giảm lương và chế độ phúc lợi.
Giãn cách xã hội ở nhiều địa phương dẫn đến 64% người lao động phải làm việc 100% tại nhà. Hầu hết họ đều gặp rất nhiều khó khăn khi làm việc từ xa. Hơn 50% người lao động sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid kết thúc.
Còn theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính tới tháng 8/2021, riêng khu vực miền Nam đã có khoảng 2,5 triệu lao động phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc trong cả nước.
Do không có việc làm, nhiều lao động đã quyết định về quê. Nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu hụt nghiêm trọng lao động khi trở lại làm việc, nhất là các khu công nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là do các công ty tuyển lao động ngoại tỉnh là chủ yếu. Nhưng doanh nghiệp lại để xảy ra tình trạng mất cân đối giữa đóng góp của người lao động và mức độ đầu tư ngược trở lại.
Các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của người lao động. Cũng bởi thế, nhiều lao động coi công việc tại đây chỉ mang tính tạm thời.
Để giải quyết tình trạng này, các địa phương cần đẩy nhanh mở cửa lại hoạt động sản xuất của các nhà máy, ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Đây là ưu tiên hàng đầu để việc sản xuất được ổn định và lâu dài .
Tiếp theo đó là hỗ trợ giải quyết thất nghiệp, làm tốt các chính sách an sinh xã hội. Doanh nghiệp cho ứng tháng lương đầu tiên khi quay trở lại làm việc, cùng với những phúc lợi, chính sách linh hoạt và xứng đáng.