Chẩn đoán và phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều bệnh có biểu hiện tương tự thoát vị đĩa đệm (TVDD) nên việc chẩn đoán chính xác để có biện pháp điều trị là rất cần thiết. Để phòng tránh bệnh phát sinh hay tái phát cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Các phương pháp chẩn đoán

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật hiện đại, việc kiểm tra và chẩn đoán TVDD trở nên thuận tiện với độ chính xác cao. Trong đó, các kỹ thuật chẩn đoán bằng hình ảnh là tuyệt đối cần thiết. Kỹ thuật hiện đại này cho phép loại bỏ các rối loạn khác nhau có thể dẫn tới những biểu hiện tương tự nhau như thoái hóa đĩa đệm, trượt đốt sống, khối u...và một số vấn đề khác. Mức độ hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào độ chính xác của chẩn đoán.

Các phương pháp kỹ thuật kiểm tra chuẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong điều trị TVDD:

- Chụp X-quang thường: Hàng loạt các vấn đề như gãy xương, khối u và nhiễm trùng cơ thể được xác định hoặc loại trừ bằng phương pháp chụp X-quang dù hình ảnh của đĩa đệm trong phương pháp này và các bộ phận bên ngoài bị hạn chế.

- Chụp cắt lớp CT: TVDD có thể được quan sát một cách rõ ràng hơn cũng như hình dạng và kích cỡ của ống tủy sống, các thành phần của ống tủy sống và các cấu trúc liền kề bằng phương pháp chụp cắt lớp CT.

- Chụp cộng hưởng từ MRI: Ngoài việc cũng cho chúng ta thấy các cấu trúc bên trong một cách rõ ràng như chụp CT, phương pháp chụp MRI còn có thể cho chúng ta quan sát tủy sống, các rễ dây thần kinh và các cấu trúc bao quanh như mô, dây chằng, các dấu hiệu của sự tăng trưởng, suy yếu và các khối u có thể được tìm thấy bằng phương pháp này.

- Chụp X-quang tủy sống: Các vấn đề như TVDD, gai xương hoặc khối u có thể được khám phá thông qua phương pháp chụp X-quang tủy sống.

Cách  phòng ngừa và điều trị

Để phòng tránh bệnh TVDD cần phải rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh và đặc biệt là một cột sống vững chắc ngay từ tuổi trẻ bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý.

Trẻ em cần ngồi học đúng tư thế, tránh mang vác nặng. Điều này giúp phòng tránh tật gù vẹo cột sống (là một nguy cơ gây TVDD). Người trưởng thành cần chú ý tránh việc mang vác nặng và sai tư thế, nhất là bê vật nặng ở tư thế cúi khom.

Hiện nay các nhân viên văn phòng ngồi làm việc liên tục hằng giờ liền bên máy vi tính. Điều đó làm cho cơ vai, cổ phải co cứng thường xuyên để giữ đầu cố định, gây đau vai và gáy. Ngoài ra, cột sống cổ cũng gánh tải trọng của đầu trong khoảng thời gian dài, làm tăng áp lực lên đĩa đệm, kết quả là đĩa đệm đốt sống cổ dễ bị thoái hóa và thoát vị. Ngồi lâu kéo dài trong tư thế gò bó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống thắt lưng và cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến TVDD đốt sống lưng.

Do vậy sau khi ngồi khoảng 1 giờ ta nên đứng dậy nghỉ ngơi, thả lỏng 5-10 phút,vừa bảo vệ mắt vừa giữ gìn đĩa đệm cột sống. Cũng cần tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất.

Tránh tuyệt đối các động tác thể thao hoặc vận động quá mức và kéo dài.

BSCKII Hà Tường (Bệnh viện Phòng không Không quân)

Theo Đời sống
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top