Cấy ghép tế bào gốc tự thân chữa mù lòa

Các nhà nghiên cứu tại Mỹ mới đây đã phát triển phương pháp mới sử dụng tế bào gốc từ mắt khỏe hơn để phục hồi những tổn thương từ mắt còn lại, nhằm tạo điều kiện cho việc cấy ghép giác mạc và cải thiện thị lực.
Ảnh AP

Ảnh AP

Với phương pháp này, bệnh nhân không cần phải chờ đúng tạng ghép thích hợp mới phẫu thuật, nhờ đó rút ngắn thời gian điều trị. Mặc dù vẫn cần phải điều trị bổ sung nhưng các chuyên gia cho biết, cấy ghép tế bào gốc đang mang lại ánh sáng cho các bệnh nhân.

Kết quả của nghiên cứu giai đoạn đầu được công bố ngày 18/8 trên tạp chí Science Advances và một nghiên cứu lớn hơn hiện đang được tiến hành.

Quy trình này vốn được thiết kế để điều trị chứng thiếu tế bào gốc vùng rìa, một chứng rối loạn giác mạc có thể xảy ra sau bỏng hóa chất và các chấn thương mắt khác. Trước đây, bệnh nhân không có tế bào viền, vốn cần thiết để bổ sung và duy trì lớp ngoài cùng của giác mạc, không thể tiến hành cấy ghép giác mạc để cải thiện thị lực.

Tiến sĩ Ula Jurkunas, bác sĩ nhãn khoa tại bệnh viện Mass Eye and Ear (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, cho biết kỹ thuật thử nghiệm bao gồm lấy một mẫu sinh thiết nhỏ tế bào gốc từ mắt khỏe mạnh, sau đó, chúng được phát triển trong phòng thí nghiệm. Vài tuần sau, chúng được gửi trở lại để cấy ghép vào bên mắt bị thương.

Ông Phil Durst (51 tuổi, Alabama, Mỹ) là bệnh nhân đầu tiên trải qua thủ thuật này. Năm 2017, ông Phil Durst bị hóa chất bắn vào mắt. Sau tai nạn, ông Durst đã mất thị lực, không thể chịu được ánh sáng và phải chịu 4 - 5 cơn đau đầu mỗi ngày. Sau đó, ông đã trải qua quy trình thử nghiệm nhằm điều trị vết thương nghiêm trọng ở một mắt bằng tế bào gốc từ mắt kia.

"Tôi đã từng hoàn toàn mù lòa, đau đầu suy nhược, thậm chí không dám tin mình có thể lấy lại được thị lực. Đến bây giờ tôi không biết phải nói gì nữa, nếu Tiến sĩ Jurkunas không quyết định rằng tôi phải thực hiện cuộc phẫu thuật này, có lẽ giờ này tôi không ở đây", Ông Phil Durst nói.

Ông Phil Durst là một trong 4 bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc như một phần của nghiên cứu đầu tiên của Mỹ để thử nghiệm kỹ thuật này.

Tiến sĩ Ula Jurkunas cho biết, phần tuyệt vời của phương pháp này là sử dụng mô của chính bệnh nhân, chứ không phải mô của người hiến tặng mà cơ thể có thể đào thải.

"Mục tiêu của ca phẫu thuật trước hết là cải thiện các triệu chứng của bệnh nhân để họ không bị đau, nhạy cảm với ánh sáng và sau đó là phục hồi thị lực", Tiến sĩ Ula Jurkunas nói thêm.

Tất cả bệnh nhân trong nghiên cứu đều thấy bề mặt giác mạc của họ được phục hồi. Tiến sĩ Jurkunas ước tính khoảng 1.000 người ở Mỹ mỗi năm có thể được hưởng lợi từ loại cấy ghép tế bào gốc này, phương pháp này cũng đã được nghiên cứu ở Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu đang hoàn thiện giai đoạn tiếp theo của thử nghiệm lâm sàng, bao gồm 15 bệnh nhân.

Theo Đời sống
back to top