Hỏi: Vì sao có những loài động vật chỉ ăn thịt, có loài lại chỉ ăn thực vật?
Nguyễn Bảo Khánh (Hà Nội)
GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam: Đa số loài móng guốc như trâu, bò, hươu, nai, hoẵng… chỉ ăn thực vật là các loại cây cỏ. Ngược lại, cầy, cáo, hổ, báo… lại chỉ ăn thịt. Còn một số loài thì ăn tạp. Thói quen này là do đặc điểm sinh thái của gene và sinh học của loài quyết định. Đối với loài chỉ ăn thực vật, cấu tạo cơ thể và bộ máy tiêu hóa của chúng có điểm đặc biệt: Ruột dài, dạ dày có 4 ngăn giống như một bộ máy nghiền thức ăn gồm có ngăn chứa thức ăn, ngăn chế biến, ngăn tiêu hóa và ngăn phân hủy. Vì thức ăn của chúng chủ yếu là chất xơ (xenlulo) nên cấu tạo cơ thể này giúp chúng có thể tiêu hóa dễ dàng. Hơn nữa, trong dạ dày của chúng có hệ thống vi sinh vật có thể biến chất xơ thành chất dinh dưỡng. Ở các loài ăn thịt thì bộ hàm của chúng sắc nhọn, ruột ngắn, có nhiều vi khuẩn giúp tiêu hóa thịt một cách nhanh chóng.