Tấm gương cô giáo Khoàng Hà Pơ rất đáng tôn vinh
Tối 17/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình “Thay lời tri ân” năm 2019. Nhiều khán giả đã rất xúc động trước những câu chuyện về sự cống hiến thầm lặng của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền đất nước.
Trong số đó, có câu chuyện của cô giáo Khoàng Hà Pơ, giáo viên tại điểm trường Huổi Lính A, trường Mầm Non xã Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Cô giáo Khoàng Hà Pơ nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sinh con được tròn 6 tháng, cô Khoàng Hà Pơ phải nén lòng cai sữa, gửi lại cho bố mẹ và chồng chăm sóc để đi cắm bản dạy học.
Nơi cô Pơ cắm bản nằm cheo leo trên đỉnh núi cao hàng ngàn mét, là khu vực sinh sống của 18 nóc nhà người Mông.
Đến nay, con gái cô Pơ đã gần 2 tuổi nhưng cô mới chỉ về nhà được vài lần vào dịp Tết, hè. Mỗi lần về, con gái không nhận ra mẹ khiến cô không khỏi chạnh lòng, buồn tủi.
Cô giáo Pơ đã nhiều lần rơi nước mắt khi nhớ về con. |
Nhiều lần có ý định buông tay nhưng nhớ đến lá đơn nghuệch ngoạc mà người dân bản Huổi Lính gửi Ban giám hiệu xin cô ở lại, chẳng đành lòng, cô lại tiếp tục bám trường, bám lớp.
Câu chuyện của cô giáo Pơ đã lấy đi nước mắt của nhiều người. Nhưng cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận, rằng, sự hy sinh của cô giáo Pơ là một nỗi buồn, ngợi ca sự hy sinh như vậy liệu có nên hay không? Thay vào đó, nên là sự chung tay của toàn xã hội, và có những giải pháp về chính sách để không còn sự nhọc nhằn, đẫm nước mắt như cô giáo Pơ nữa.
Trao đổi với KH&ĐS bên hành lang Quốc hội về vấn đề này, TSKH Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam chia sẻ, ông cũng đã xem chương trình Tri ân này và hết sức xúc động trước sự hy sinh của các thầy cô giáo, đặc biệt là cô giáo Pơ.
TSKH Nghiêm Vũ Khải trao đổi với PV KH&ĐS bên hành lang Quốc hội chiều ngày 20/11. |
Bởi, ông là đại biểu Quốc hội hai khóa, khóa XI ở Hà Giang, và khóa XII ở Điện Biên từng gắn bó rất nhiều năm với những vùng đất xa xôi, hẻo lánh. Ông hiểu và đánh giá rất cao sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ biên phòng, những thầy giáo cô giáo công tác biền biệt ở những vùng đất mà hoàn cảnh sống và điều kiện làm việc quả thực là những thách thức.
Bản thân ông đã từng quyên góp tiền, mang 200 bộ quần áo ấm cho các cháu huyện Mường Nhé (bên này là Nầm Nhùn, bên kia là Mường Nhé).
|
“Khi đến đó, tôi đã được chứng kiến cảnh đêm mùa đông lạnh giá, liếp thưa thớt, gió lùa, mà các cháu chăn thì mỏng, áo không đủ ấm. Các cháu tự nấu ăn, bập bùng bếp lửa chỉ có một nồi cơm, một chút rau làm thức ăn.
Lớp học thì chia làm hai, lớp 1 quay đầu sang phía này, lớp 2 quay đầu sang phía kia. Cô giáo dạy lớp bên này xong rồi chạy sang bên kia”, ông Khải nghẹn lời, xúc động.
Cũng chính từ lý do đó mà ông Khải cho rằng, sự cố gắng của cô giáo Pơ đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Cần bớt đi những câu chuyện quá nhọc nhằn
“Tuy nhiên, ở mặt khác, kinh tế đất nước mình đã phát triển khác trước rồi mà vẫn còn những hình ảnh như cô giáo Pơ thì thật đáng phải suy nghĩ”, ông Khải nói.
Từ địa phương tới ngành giáo dục phải có những chính sách đối với giáo viên, ổn định, nhất quán để họ yên tâm công tác.
Ví dụ, thứ nhất, cần phải có sự cam kết chắc chắn với giáo viên và nhân dân, các thầy cô giáo đi vùng sâu vùng xa như vậy thì đúng hạn sẽ được luân chuyển.
Thứ hai, về chế độ lương, phụ cấp, phải thực sự xứng đáng, giống như chính sách đối với những bộ đội ở vùng sâu vùng xa... Giờ chúng ta có đủ điều kiện để làm việc đó.
Khi giáo viên trở về thì tăng lương, hoặc rút ngắn thời gian tăng lương. Thậm chí người nào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí cán bộ.
Đồng tình với quan điểm của TSKH Nghiêm Vũ Khải, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng cho rằng, cần phải có sự phối hợp giữa các ban ngành. Ví dụ tạo điều kiện cho người bạn đời của thầy/cô giáo, sắp xếp cho họ một công việc hay vị trí việc làm nào đó để họ được ở gần nhau.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) |
Và trong trường hợp phụ nữ có con nhỏ, thì có nên để cho họ công tác quá lâu ở trên vùng xa xôi, phải xa con hay không? Quan trọng là sự sát sao của lãnh đạo.
Cũng nói về trách nhiệm của lãnh đạo, TSKH Nghiêm Vũ Khải cho rằng, trách nhiệm trực tiếp là chính quyền địa phương kết hợp với ngành giáo dục. Ngoài ra, không thể không nhắc đến trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội khác như phụ nữ, thanh niên, công đoàn cựu chiến binh…
Cần có sự thanh kiểm tra giám sát, qua đó, động viên kịp thời những gương tốt, điển hình và đồng thời xử lý những vi phạm. Và hơn hết, phải đánh giá thực tiễn, rút kinh nghiệm, đào tạo cán bộ và thúc đẩy đi lên.
Những câu chuyện giống như của cô giáo Pơ rất đáng vinh danh. Tuy nhiên, một mặt chúng ta tôn vinh, nhưng mặt khác phải coi đây là một ví dụ điển hình. Để phát triển được sự nghiệp giáo dục bền vững thì phải bớt đi được những câu chuyện quá rủi ro và quá nhọc nhằn", ông Nghiêm Vũ Khải.