Theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh), lý do của việc chưa phù hợp thực tiễn là vì đại đa số giáo viên làm trong môi trường không sử dụng ngoại ngữ thường xuyên, trong khi đó lại yêu cầu họ phải có chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Với nhiều giáo viên, để có được chứng chỉ này còn khó hơn thi đại học. Đây chính là lý do để họ tìm mọi cách, kể cả gian lận để có được chứng chỉ.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai. |
“Khi nghe thông tin có giáo viên phải nộp số tiền lớn cho các “cò” để lấy chứng chỉ, thậm chí phải đi vay ngân hàng, tôi rất bất bình. Đây là việc lợi dụng quy định về chứng chỉ để “móc túi” giáo viên”, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai chia sẻ.
Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, muốn chuẩn hóa đội ngũ thì phải có lộ trình dài hạn. Chẳng hạn 5 năm tới, yêu cầu cử nhân sư phạm, trước khi làm giáo viên phải đạt được yêu cầu gì, chứ không phải đề ra quy định rồi yêu cầu các giáo viên thực hiện ngay. Ngoài ra, muốn chuẩn hóa giáo viên, phải chuẩn ngay từ khâu đào tạo ở các trường sư phạm.
Chuẩn hóa đội ngũ giáo viên là chủ trương hoàn toàn đúng, nhất là chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế. Nhưng với các quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ như hiện nay, để xét, thi thăng hạng giáo viên là chưa phù hợp với thực tiễn, rất cần điều chỉnh lại để phù hợp với thực tế.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ quan điểm, những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, hằng ngày không dùng đến ngoại ngữ, không có môi trường để trau dồi ngoại ngữ, giờ yêu cầu họ phải có chứng chỉ ngoại ngữ, rõ ràng là bất cập.
Khi ban hành một chính sách phải đặt mình vào đối tượng chịu sự tác động của chính sách, hiểu đối tượng đang cần gì và phải làm gì? Luật Viên chức hiện nay đang quá rộng, chưa phù hợp với đặc thù của nghề giáo.
Tại phiên chất vấn ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng thừa nhận sự phiền hà của việc văn bằng, chứng chỉ khi thi nâng ngạch, xét thăng hạng viên chức và quy trình bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng cam kết: “Chúng tôi cam kết với Quốc hội: Năm 2020, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Viên chức có hiệu lực, chúng tôi sẽ sửa ngay".