Cắt khối “da trâu” cho 2 bé trai mắc Nevus (Nơ vi) hắc tố khổng lồ

Hai bệnh nhi 3 tuổi và 4 tuổi tới bệnh viện thăm khám với khối màu đen sẫm ở lưng, gáy. Bác sĩ đã thăm khám, hội chẩn ca bệnh của 2 bé với chẩn đoán Nevus (Nơ vi) hắc tố bẩm sinh khổng lồ vùng lưng, gáy.

Bệnh hiếm chỉ gặp ở trẻ sơ sinh

Đó là trường hợp của bé Nguyễn Đỗ Hải Đ., (3 tuổi quê tại phường Phú Mỹ, Thủ Dầu Một, Bình Dương) nhập viện Bệnh viện K (Hà Nội) cuối tháng 4/2023, với hiện tượng ngứa nhiều, chảy máu vùng gáy trên mảng da màu đen ở gáy.

Trường hợp tương tự là em Nguyễn Huy Thế A. (4 tuổi, trú tại Thạch Thất, Hà Nội), cả 2 cùng được chẩn đoán Nevus hắc tố khổng lồ.

Theo mẹ của 2 bé chia sẻ từ khi con mới sinh ra thì vùng da ở lưng, thân mình đã có mảng da màu đen. Nghĩ rằng đây là các bớt thông thường thì sau dần con hết và cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì con vẫn khỏe mạnh, ăn uống, chơi đùa bình thường, tuy nhiên, gần đây hiện tượng ngứa vùng da này càng nhiều hơn, vì vậy gia đình của 2 em đã đưa tới Bệnh viện K để khám và điều trị.

Các bác sĩ khoa Điều trị yêu cầu Quán Sứ, trực tiếp là TS.BS. Dương Mạnh Chiến đã thăm khám, hội chẩn ca bệnh của 2 bé với chẩn đoán Nevus (Nơ vi) hắc tố bẩm sinh khổng lồ vùng lưng, gáy.

TS.BS. Dương Mạnh Chiến cho biết “Nevus" (Nơ vi) hắc tổ bẩm sinh là bệnh khá phổ biến với khoảng 1% trẻ sơ sinh, tuy nhiên nơ vi hắc tố bẩm sinh khổng lồ lại khá hiếm gặp với tỷ lệ 1/500.000. Được gọi là nơ vi hắc tố khổng lồ vì diện tích vùng tổn thương hơn 20 cm hoặc nhiều hơn 1 đơn vị giải phẫu ở da.

Dựa vào một số triệu chứng lâm sàng có thể chẩn đoán xác định bệnh: Xuất hiện ngay sau sinh khối màu đen, màu sắc thường đồng nhất, kích thước khối màu đen phát triển tỉ lệ với sự tăng kích thước cơ thể nói chung, có thể nổi gồ trên da hoặc không, ranh giới trên da thường rõ ràng. Một vài dấu hiệu cảnh báo nguy cơ ác tính: Loét, chảy máu, thay đổi màu sắc …

Cắt bỏ để phòng ung thư

Bé Nguyễn Huy Thế A. có khối màu đen sẫm vùng lưng kích thước rất lớn và kéo dài khoảng 25cm, nổi gồ trên bề mặt da, tổn thương xơ chai, cứng chắc.

Bé Nguyễn Đỗ Hải Đ.có tổn thương vùng sau gáy và lưng lan rộng, đường kính khoảng 20cm.

Với trường hợp của A. và Đ., do tổn thương mô bệnh học nằm ở lớp sâu, nên phẫu thuật cắt bỏ khối nơ vi là phương pháp điều trị duy nhất, phẫu thuật nên được tiến hành sớm để hạn chế tối đa nguy cơ ung thư hóa, tỷ lệ này thường chiếm 5 – 10%.

TS.BS Dương Mạnh Chiến chia sẻ “Nevus hắc tố khổng lồ khó có thể phẫu thuật một lần mà hết toàn bộ tổn thương. Thường trên lâm sàng chúng tôi đã phẫu thuật 2-3 thậm chí nhiều lần hơn tùy từng bé để đảm bảo sức khỏe, thẩm mỹ cho các bệnh nhi.

Các lần phẫu thuật sẽ được thực hiện cách nhau khoảng 6 tháng. Quá trình điều trị là thời gian dài, cần sự phối hợp của gia đình, rất may là phẫu thuật cắt thu khối nevus thường không quá nặng nề và trẻ có thể xuất viện sau 4-5 ngày khi tình trạng ổn định.”

Sau khi hội chẩn toàn bệnh viện, các bác sỹ đã thống nhất phương án điều trị cho bé: Phẫu thuật cắt thu dần khối nơ vi.

Bố mẹ bé Đ. và bé A. bày tỏ sự vui mừng sau ca phẫu thuật thành công dù khối nevus vẫn còn chưa thể loại bỏ hết trong 01 lần phẫu thuật, tuy nhiên con đã vận động được thoải mái, không còn cảm giác khó chịu, ngứa rát như trước, vùng da có tổn thương được loại bỏ nhiều.

2 khối nơ vi được cắt bỏ

2 khối nơ vi được cắt bỏ

BS Chiến khuyên, “khi gia đình, bố mẹ thấy các bé có hiện tượng khác lạ trên cơ thể như các bớt sẫm màu, lan rộng hoặc gây ngứa... thì nên đến khám tại cơ sở chuyên khoa, không nên tự điều trị như bôi thuốc, hay laze thẩm mỹ vì đó có thể là bệnh lý ở trẻ chứ không đơn thuần là vấn đề thẩm mỹ, do đó phương pháp điều trị bệnh cần phải được cân nhắc, hội chẩn kỹ trên từng cá thể”.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top