Canh tôm bổ thận, tráng dương

(khoahocdoisong.vn) - Tôm biển là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao, chứa nhiều chất đạm, vitamin và nguyên tố vi lượng. Việc kết hợp giữa tôm nõn với các loại rau và thực phẩm sẽ tạo nên món ăn độc đáo, ngon miệng, có tác dụng trị nhiều bệnh, tăng cường sinh lý…

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, tôm vị ngọt, tính ấm, có công dụng bổ thận tráng dương, cường gân cốt, thống sữa khử độc... được dùng để bồi bổ và chữa nhiều bệnh, nhất là cải thiện khả năng “yêu” cho cả nam và nữ.

Tôm nõn xào rau hẹ: Tôm nõn 250g, rau hẹ 100g, gia vị vừa đủ. Tôm nõn xào trước với dầu thực vật rồi bỏ rau hẹ vào đun thêm một lát là được, cho đủ gia vị dùng làm thức ăn hằng ngày. Công dụng: Ôn trung khai vị, bổ thận tráng dương, ích huyết sinh tinh. Món này tốt cho nam giới muộn con, di tinh, liệt dương, tinh dịch lượng ít, tiểu đêm nhiều lần.

Bột tôm nõn tắc kè: Tôm nõn 500g, tắc kè 1 đôi, tiểu hồi hương 60g, hạt tiêu 60g, tất cả đem sao với 10g muối ăn và 200ml rượu trắng cho thơm rồi tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 thìa với nước ấm để trị chứng muộn con nam giới.

Tôm nấu thịt gà + rau hẹ: Tôm nõn 50g, thịt gà 50g, rau hẹ 200g. Thịt gà rửa sạch thái miếng, rán vàng rồi cho rau hẹ cắt đoạn, tôm nõn, nước bột đao và gia vị vừa đủ, đun to lửa, đảo nhanh tay vài dạo là được, ăn nóng. Món này có tác dụng ôn bổ thận dương, cải thiện công năng tình dục nữ.

Tôm hầm gà + cá ngựa: Tôm nõn 15g, hải mã (cá ngựa) 10g, gà choai 1 con (nặng chừng 500g). Gà làm thịt, bỏ hết nội tạng; hải mã và tôm nõn ngâm nước ấm chừng 10 phút rồi cho vào bụng gà cùng với hành củ, gừng tươi và gia vị vừa đủ. Tất cả đem hầm cách thuỷ cho chín rồi chia ăn 2 lần trong ngày, 3 - 5 ngày ăn 1 lần, dùng liên tục 5 lần. Công dụng: Ôn bổ thận dương, dưỡng huyết ích tinh, nâng cao hưng phấn trong sinh hoạt tình dục.

Tôm nõn + cá hoa vàng xào củ mài: Tôm nõn 50g, hoài sơn (củ mài) 50g, trứng gà 1 quả, cá hoa vàng thái lát (một loại cá sống ở biển, mình dẹt, đuôi hẹp, đầu to, còn gọi là hoàng ngư) 50g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Hoài sơn thái phiến, tôm nõn rửa sạch, trừng gà đập ra bát cho thêm hành hoa, gừng tươi băm nhỏ, hạt tiêu và gia vị vừa đủ. Đổ dầu thực vật vào chảo đun nóng già rồi bỏ tôm nõn và cá hoa vàng vào đảo đều tay cho chín vàng rồi đổ trứng gà đun thêm vài dạo là được, ăn nóng, dùng liên tục trong 7 ngày. Công dụng: Bổ khí dưỡng huyết, kiện tỳ bổ thận, nâng cao năng lực tình dục.

Tôm nõn xào trứng gà + rau hẹ: Tôm nõn 50g, trứng gà 1 quả, rau hẹ 200, dùng dầu thực vật xào ăn. Công dụng: Bổ thận tráng dương, cường gân cốt, ấm tỳ vị.

Chú ý: Những người bị dị ứng tôm, bị viêm da mẩn ngứa, có hội chứng âm hư hỏa vượng biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, hay có cơn bốc hỏa, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, có cảm giác sốt nhẹ về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực rạo rực không yên, họng khô miệng khát, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ... thì không nên ăn. Ngoài ra, không nên ăn tôm cùng thịt dê và khi dùng thì không được uống vitamin C.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top