Trong Đông y thận được coi là tạng phủ trọng yếu. Thận là nơi tàng chứa tinh mà chủ về xương, khai khiếu ra tai và có tác dụng nạp khí. Thận là tạng của thủy hỏa, chân âm và chân dương đều ở đó. Thân âm và thận dương tuy là hai mặt đối lập nhau nhưng luôn luôn có sự hỗ trợ qua lại lẫn nhau nhằm duy trì sự tồn tại về chức năng của thận.
Trong thực tế do quá trình lao động, sinh hoạt thường ngày, nên đến độ tuổi trung niên thường xảy ra nhiều chứng bệnh khác nhau; nhưng có lẽ gặp nhiều hơn cả vẫn là chứng đau mỏi lưng, tiểu nhiều, ù tai, chóng mặt…do thận hư gây nên. Tuy nhiên không hoàn toàn tất cả các triệu chứng nêu trên đều do nguyên nhân thận hư gây ra, mà còn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như ngồi nhiều, lao động mang vác, chấn thương, hoặc do viêm thoái hóa các dây chằng, rễ dây thần kinh vùng cột sống thắt lưng, khối u, chèn ép vùng cột sống.....
Song ở đây xin chỉ nói đến các món ăn thuốc chữa hoặc hỗ trợ trị liệu những bệnh về thận mà Đông y cho rằng nguyên khí gốc ở thận và bắt nguồn từ tiên thiên, được khí của hậu thiên nuôi dưỡng…, nhưng vì một lý do nào đó đã làm cho chức năng của thận âm hoặc thận dương bất túc mà sinh bệnh.
Khi thận yếu hoặc đã mắc bệnh suy thận đã cơ bản ổn định, việc bồi bổ nhằm tăng cường khả năng hỗ trợ cho người bệnh chóng bình phục nên chọn lựa các món ăn để bồi bổ sao cho phù hợp và hiệu quả.
Đậu xanh: Dùng vỏ hoặc hạt đậu xanh sắc lấy nước uống, hàng ngày.
Mộc nhĩ: Dùng mộc nhĩ đen và mộc nhĩ trắng mỗi loại 15g, ngâm nở mềm. Nấu chung, cho ít đường vừa ngọt, ăn hết.
Món lục nguyệt tuyết hầm gà xương đen: Lục nguyệt tuyết 60g, gà xương đen 1 con, gia vị vừa đủ. Lục nguyệt tuyết rửa sạch, dùng vải màn bọc lại, luộc kỹ, sau cho gói này vào bụng gà, đổ nước luộc lục nguyệt tuyết vào luộc cùng gà. Khi gà nhừ vớt bỏ gói lục nguyệt tuyết ra, ăn thịt gà, uống nước canh. Ăn một thời gian, tuần 1 – 2 lần.
Cá diếc hồng trà: Hồng trà 15g, cá diếc 1 con. Rửa sạch cá diếc, còn hồng trà cho vào bụng cá. Cho nước cùng gia vị hầm nhừ ăn cả cái lẫn nước. Cần ăn một thời gian.
Cơm nếp câu kỷ tử: Câu kỷ tử 25g, gạo nếp 500g, can bối 2 cái, tôm to 10 con, thịt giăm bông 50g. Cho câu kỷ tử ngâm nước đến mềm, ngâm gạo nếp 3 giờ. Sau đổ câu kỷ tử và gạo nếp ra, để ráo nước thì cho vào cùng sợi can bối, tôm, giăm bông, vào nồi, đổ nước và muối vừa đủ. Nổi lửa to đến sôi, cho ít bột gừng, rượu, xì dầu, mỗi loại 1 thìa canh, hạ lửa riu riu đun đến chín. Mỗi ngày ăn từ 1 – 2 lần thay cơm. Cần ăn liền một thời gian.
BS Hoàng Long (Bộ Y tế)