Cảnh giác với tình trạng thuyên tắc phổi sau mắc Covid-19

Bệnh nhân đã mắc Covid-19 cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù trước đó chưa từng bị mắc bệnh tim. Bệnh nhân có thể bị thuyên tắc phổi.

Trong đêm nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày 17/12, bệnh nhân N.B.T (60 tuổi, Gò Vấp) bị đau ngực khó thở. 

Các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch chẩn đoán, bệnh nhân bị thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong nhĩ phải, với tiền sử mắc Covid-19 từ tháng 11/2021. Bệnh nhân tự điều trị tại nhà, không dùng thuốc kháng đông. 

Theo các bác sĩ, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng suy hô hấp và tuần hoàn cấp. Bệnh nhân được hội chẩn khẩn và chuyển ngay vào phòng mổ khoa Phẫu thuật Tim với ghi nhận: khó thở nhanh nông, tím với độ bảo hòa oxy máu (SpO2) là 79%, nhịp tim nhanh 127 l/p, hỏi đáp trả lời rất chậm, huyết áp thấp (76/52).

Trong quá trình gây mê hồi sức, tình trạng tim mạch bệnh nhân diến tiến xấu rất nhanh và ngưng tim.

Các bác sĩ phải thực hiện xoa bóp tim ngoài lồng ngực cùng đồng thời tiêm 32 ống adrenaline liên tục vào đường tĩnh mạch trung tâm, nhưng tim vẫn không đập lại.

Theo TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, êkip phải mở ngực khẩn qua đường cưa xương ức và xoa bóp tim trực tiếp; đặt các mũi khâu lên động mạch chủ và hai tĩnh mạch chủ để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất.

Sau khi hạ thân nhiệt, liệt tim, các bác sĩ đã tiến hành thủ thuật lấy huyết khối lấp đầy hai động mạch phổi trái, phải và các nhánh, kiểm tra huyết khối trong các buồng tim.

bn-hoi-phuc.jpg
Bệnh nhân bị thuyên tắc toàn bộ hai phổi, ngưng tim sau mắc Covid-19, dần hồi phục 

Chính các huyết khối này đã lấp và ngăn không cho dòng máu lên phổi để trao đổi oxy gây nên tình trạng thiếu oxy máu trầm trọng và suy tim cấp. Bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch và tử vong nhanh.

Sau 4 giờ phẫu thuật và hỗ trợ tuần hoàn hô hấp bằng máy tuần hoàn ngoài cơ thể, bệnh nhân được theo dõi và điều trị tiếp tục tại hồi sức tim sau mổ. Sau đó, bệnh nhân ổn định về hô hấp tuần hoàn, phục hồi và dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới.

TS.BS Bùi Minh Thành, khi nhiễm Covid-19, bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu, nhất là hệ thống mạch máu phổi, gây thuyên tắc (tắc nghẽn) các mạch máu nhỏ rồi các mạch máu lớn.

Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 sẽ đi kèm với tình trạng thương tổn các phế nang, độc tố gây viêm nhiễm xuất tiết…dẫn đến suy hô hấp nhanh và trầm trọng rồi tử vong sau đó nếu không được can thiệp kịp thời.

Với bệnh nhân hậu Covid-19, tình trạng tăng đông vẫn còn, tuy có giảm so với trước đó, nhưng vẫn có khả năng gây nên sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch dẫn đến tình trạng thuyên tắc mạch máu chi, mạch máu tạng và mạch phổi…, gây nguy hiểm cho tính mạng.

Theo tiền sử, bệnh nhân không mắc các bệnh gây tăng đông máu như: bệnh ác tính, không có rung nhĩ, cũng không tìm thấy nguyên nhân gây tăng đông ngoài tiền sử tăng huyết áp và mắc Covid-19 cách đây hơn một tháng.

Theo Đời sống
back to top