Đa số là nhân viên trẻ, không có bệnh lý nền đi kèm (80,2%) và đã được tiêm đủ 2 mũi văcxin ngừa Covid-19 (96,5%) nhưng lại có nguy cơ cao do tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây nhiễm (67,3%). Trong đó, điều dưỡng nhiễm Covid-19 chiếm hơn 50,6%.
Những công việc tiếp xúc trực tiếp bao gồm lấy mẫu, vận chuyển F0, chăm sóc, khám và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Triệu chứng khi nhiễm SARS-CoV-2 trong nghiên cứu rất đa dạng, chiếm tỷ lệ trên 50% gồm có tình trạng mệt mỏi và mất vị giác. Các triệu chứng như viêm kết mạc, khó thở hoặc mất khả năng nói hay cử động chỉ có ở dưới 10% người tham gia nghiên cứu.
Các nhân viên này khi mắc bệnh mức độ nhẹ (viêm đường hô hấp trên cấp tính), sớm khỏi bệnh, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Nhân viên y tế được xem là tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch với nguy cơ phơi nhiễm cao. Khoảng 14 - 35% nhân viên y tế tuyến đầu đã từng hoặc đang mắc Covid-19.
Ít nhất hơn 152 ngàn ca nhiễm và 1,4 ngàn ca tử vong do Covid-19 ở nhân viên y tế trên toàn thế giới đã được báo cáo, đồng thời đây là nhóm đối tượng ưu tiên đã được tiêm văcxin ngừa Covid-19 sớm nhất.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, thách thức hệ thống y tế nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Đến nay, đại dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp với biến chủng Delta, Omicron rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, theo BSCKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thực hành và quản trị lâm sàng cần được tuân thủ. Các quy trình chuẩn sẽ giúp tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho chính bản thân nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19 tại bệnh viện.
Qua đó, hạn chế thấp nhất số ca nhiễm Covid-19 cho lực lượng nhân viên y tế làm công tác tuyến đầu và chăm sóc, điều trị bệnh nhân.