Cảnh giác với các biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường

(khoahocdoisong.vn) - Biến chứng của bệnh đái tháo đường là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta có thể làm chậm tiến triển của các biến chứng và hạn chế mức độ biến chứng bằng cách quản lý tốt bệnh.

Mới phát hiện bệnh đã có biến chứng

ThS.BS Đỗ Đình Tùng, Bệnh viện Đại học Y cho biết, biến chứng đối với người bệnh đái tháo đường là tất yếu nhưng nó xuất hiện sớm hay muộn ngoài nguyên nhân quản lý bệnh tốt hay xấu, còn phụ thuộc vào týp bệnh. Ví dụ, biến chứng mạch máu nhỏ thường xảy ra ở người đái tháo đường týp 1 sau 5 năm mắc bệnh nhưng lại có ngay từ khi bệnh mới được chẩn đoán ở người đái tháo đường týp 2. Xét về bệnh học đái tháo đường, người ta chia ra làm nhiều loại biến chứng nhưng đơn giản nhất có hai loại: Biến chứng cấp tính và mạn tính.

Biến chứng cấp tính thường xảy ra đột ngột, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Hiện có nhiều bệnh nhân đái tháo đường do ăn uống quá kiêng khem, hạn chế ăn ở mức tối thiểu, luyện tập quá sức trong khi vẫn dùng thuốc hạ đường huyết, kết quả là bệnh nhân cảm thấy cồn cào, vã mồ hôi, đánh trống ngực, choáng, phải nhập viện vì hạ đường huyết và huyết áp.

Theo ThS.BS Đỗ Đình Tùng, với những trường hợp biến chứng cấp tính, hạ đường huyết ở thể nhẹ chỉ cần cho bệnh nhân ăn cháo loãng, uống 1 cốc nước đường và nghỉ ngơi. Khi tỉnh bổ sung tiếp dinh dưỡng cho cơ thể. Hạ đường huyết nặng mới cần đưa đi cấp cứu và tiêm tĩnh mạch. Với trường hợp tăng đường huyết quá cao dẫn đến hôn mê do nhiễm toan ceton hay hội chứng tăng áp lực thẩm thấu cũng cần đưa ngay đến viện để được điều trị kịp thời.

Biến chứng mạn tính là những biến chứng xảy ra liên tục và kín đáo, người ta không dễ nhận thấy những thay đổi này. Mức độ nặng nhẹ của chúng thay đổi theo thời gian, phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều trị bệnh. Những biến chứng này tuy không đe doạ tính mạng một cách “cấp tính” như loại trên, nhưng nó liên tục phá huỷ cơ thể người bệnh, thường khi được phát hiện lâm sàng thì biến chứng đã ở giai đoạn muộn.

Biến chứng mạn tính là bệnh rối loạn chuyển hóa đường mạn tính, hậu quả làm tăng đường huyết kéo dài. Lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ khiến cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, từ đó gây tổn thương tới các mạch máu và tế bào. Các chuyên gia của Hội Đái tháo đường Quốc tế (IDF) lưu ý, có thể phát hiện tổn thương do đái tháo đường mạn tính gây ra ở nhiều hệ thống các cơ quan trong cơ thể nhưng thận, mắt, thần kinh ngoại biên và mạch máu là những nơi xảy ra tổn thương nhiều nhất, đưa đến các biến chứng gây tử vong.

Nguy hiểm khi đường máu biến động bất thường

Theo các chuyên gia, đường huyết ổn định, không quá cao hay quá thấp giúp phòng tránh nhiều biến chứng của bệnh. Những người bị tiểu đường thường nghĩ, đường huyết xuống thấp là tốt nhưng thực chất chúng có ngưỡng an toàn. Đường huyết được xem là bất thường khi lúc đói <70mg/dL (3,9mmol/L), sau ăn 2 giờ đường huyết >200mg/dL (11,1mmol/L). Đường huyết hạ quá mức, xuống thấp dưới 60mg/dL dễ dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp. Đường huyết tăng cao trên 180mg/dL gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não. Đường huyết quá cao gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ ADA, mức đường huyết an toàn đối với đa số người bệnh đái tháo đường là: Đường huyết lúc đói đạt 5 - 7,2mmol/L, đường huyết sau ăn 1 - 2 giờ dưới 10mmol/L, đường huyết trước khi ngủ đạt 6 - 8,3mmol/L. Mức độ đường huyết an toàn thích hợp còn phụ thuộc vào độ tuổi, các bệnh lý đi kèm, độ nặng của các biến chứng.

Dinh dưỡng giúp ngăn chặn tiền đái tháo đường 

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện có gần 14% người dân bị rối loạn dung nạp đường máu hay tiền đái tháo đường, điều đó đồng nghĩa 20% người trưởng thành cần quan tâm chế độ ăn dự phòng và điều trị bệnh đái tháo đường. Lượng mỡ dư thừa là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh đái tháo đường týp 2. Thời gian để tiền đái tháo đường tiến tới đái tháo đường từ 6 tháng đến 3 năm. Vì vậy, người bệnh cần có lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, ăn uống điều độ, tránh để quá dư thừa năng lượng trong cơ thể, giảm stress, khám sức khỏe định kỳ để nắm rõ tình trạng bệnh.

Khi phát hiện đái tháo đường, nên ăn bánh mì đen, gạo lứt, khoai tây, khoai sọ... lượng tinh bột đưa vào cơ thể người bệnh chỉ nên bằng khoảng 50 - 60% người thường. Sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô, chà xát ít vì lớp vỏ có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe. Đối với chất đạm, nên ăn các loại thịt lợn, thịt bò đã lấy sạch mỡ. Không ăn các loại da gia cầm để hạn chế cholesterol. Khuyến cáo lượng cholesteron đưa vào cơ thể phải dưới 300mg mỗi ngày và lượng mỡ bão hòa phải thay bằng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu ôliu, dầu mè. Các thức ăn có thể ăn nhiều như tôm, cá, cua, rau, quả mọng ít ngọt.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Bài tập yoga tăng tuần hoàn não

Hoạt động của não bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự nạp máu. Nếu việc nạp máu cho não bộ bị ngưng lại dù chỉ 2 phút sẽ tổn thương nghiêm trọng. Để tăng tuần hoàn não, ngoài chế độ dinh dưỡng, thuốc, tập luyện giữ vai trò quan trọng.
back to top