Học sinh lớp 3 đã biết gửi đường link chơi game
Những vụ tai nạn liên quan đến việc trẻ ở nhà học online xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến nhiều phụ huynh “giật mình”, tự “rà soát” lại các yếu tố an toàn khi con học trực tuyến.
Đã có nhiều nhắc nhở, cảnh báo từ các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia sau các vụ việc đau lòng, trong đó có nổ điện thoại khi học online. Theo nhiều giáo viên, còn một vấn đề nữa mà về phía nhà trường cũng như các bậc phụ huynh cần lưu ý, đó là hiện tượng trẻ chơi game trước và trong khi học online.
Trao đổi với KH&ĐS, một cô giáo ở Hà Nội chia sẻ, con trai chị học lớp 3, nhưng trong lớp các bạn đã biết chat, gửi đường link chơi game cho nhau.
Khi thành phố hết giãn cách, người lớn phải đi làm trở lại nhưng trẻ lại chưa được đến trường, sẽ có nhiều trẻ phải ở nhà một mình, hoặc ở nhà với anh, chị mà không có người lớn trông.
Điều đó dẫn đến việc, trẻ sẽ có những hành vi mà không được người lớn kiểm soát, trong đó có chơi game.
Thực tế, đã có không ít học sinh vừa học online vừa sạc điện thoại hay máy tính. Qua “điều tra” thông tin từ phía phụ huynh được biết, trước khi đi làm đã sạc đầy pin vào máy cho con và máy cũng còn tốt, đủ pin cho con học trong thời gian theo thời khóa biểu. Tuy nhiên, do con đã chơi game trước đó, hoặc chơi game trong giờ học dẫn đến máy hết sạch pin và phải vừa học vừa sạc.
Nhiều giáo viên cũng phản ánh, có những em mở cùng lúc nhiều “cửa sổ” trên màn hình máy tính, “lách” cô giáo chơi game. Các em chơi theo đội, nhóm và cũng rất “bí mật”.
“Có học sinh trong giờ học online rất hay ngủ gật. Tôi liền trao đổi với phụ huynh tìm hiểu. Thì ra, con đã trùm chăn chơi điện tử thâu đêm. Phụ huynh kiểm tra đột xuất, thấy chăn phát ánh sáng mới biết con chơi lén lút. Cho nên, đến giờ học là “gục”", cô giáo chia sẻ.
Cần sự phối hợp, giám sát chặt chẽ từ phía phụ huynh
Theo cô giáo Đỗ Phương Nam (trường THCS Trung Tự, Hà Nội), việc chơi game sẽ là tiêu cực nếu như các em sa đà vào game, bỏ bê học hành. Đặc biệt, là chơi game để đến mức điện thoại hết sạch pin, phải vừa học vừa sạc dẫn đến máy nóng lên rất nguy hiểm.
Về phía nhà trường, các thầy cô giáo cần sát sao. Giờ học trực tuyến yêu cầu học sinh phải bật camera để giáo viên còn quan sát. Giáo viên gọi mà không trả lời được nhiều lần là có vấn đề và phải thông báo ngay cho phụ huynh nắm được.
Tuy nhiên, cùng với đó, vai trò phụ huynh rất quan trọng. Phụ huynh không chỉ giám sát, mà còn cần đồng hành, làm bạn với con. Cần cảnh báo, nói cho con biết về những nguy hiểm của việc nghiện game, đặc biệt là của việc không thực hiện an toàn về điện khi học trực tuyến.
Phụ huynh không nên cấm con chơi game hoàn toàn, có thể khiến con “thèm”, tìm cách chơi vụng. Thay vào đó, có thể giới hạn giờ chơi của con, ví dụ, 15 phút hay 30 phút/ngày nếu con học tốt. Và mỗi khi con học không tốt hoặc vi phạm thì sẽ trừ dần thời gian.
Với những gia đình có người lớn, như ông bà ở nhà thì có thể giao cho ông bà giám sát cháu. Trong trường hợp gia đình quá “neo” người, thì cũng không nên phó mặc hoàn toàn cho nhà trường, mà vẫn phải đồng hành, theo sát con mỗi khi có thể, rèn cho con ý thức tự giác.
Hoặc phụ huynh cũng có thể gọi điện, hoặc về nhà kiểm tra đột xuất. Như vậy, sẽ nắm được tình hình của con.
“Chứ không nên lấy lý do vì bận mà “trăm sự nhờ thầy cô”, thậm chí tin nhắn cô gửi còn không đọc. Bởi đối với việc học online, vai trò của phụ huynh rất lớn”, cô Nam chia sẻ.
TS Nguyễn Phan Kiên, giảng viên Bộ môn Công nghệ Điện tử và Kỹ thuật Y sinh, Viện Điện tử Viễn thông, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, việc vừa học bài online vừa sạc điện thoại nếu trong thời gian ngắn không sao. Nhưng trong thời gian dài, khi pin vừa phải nhận dòng sạc vào, vừa phải cấp nguồn cho việc sử dụng sẽ gây nóng máy, quá tải. Nếu pin không tốt sẽ gây cháy, nổ. Đặc biệt, việc chơi game sẽ khiến máy ngốn pin rất nhiều. Các phụ huynh nên cố gắng giám sát con, đặc biệt là các học sinh lớp dưới khi học online, tránh các tai nạn đáng tiếc.