Cảnh báo 7 dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, cần đi khám ngay

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của rất nhiều phụ nữ. Đặc biệt nó có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh nếu không được điều trị.

Các thống kê đã ước tính rằng cứ 10 phụ nữ thì có 1 người có dấu hiệu bị lạc nội mạc tử cung và thường gặp nhất ở nhóm phụ nữ từ 40 đến 50 tuổi.

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý lành tính đặc trưng bởi sự xuất hiện các tuyến nội mạc tử cung và tổ chức đệm ở bên ngoài buồng tử cung. Lạc nội mạc tử cung thường xuất hiện tại buồng trứng và dây chằng tử cung cùng hoặc các điểm trên phúc mạc tiểu khung. Tuy nhiên, tổn thương lạc nội mạc tử cung cũng có thể xuất hiện ở các cơ quan lân cận như đường tiêu hóa, tiết niệu hoặc xa hơn nữa.

Cảnh báo 7 dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, cần đi khám ngay. Ảnh minh họa

Cảnh báo 7 dấu hiệu của lạc nội mạc tử cung, cần đi khám ngay. Ảnh minh họa

Dấu hiệu cảnh báo lạc nội mạc tử cung

Đau bụng trong kỳ kinh nguyệt

Do các tế bào có nguồn gốc là niêm mạc tử cung nên nó cũng biến đổi theo chu kỳ và cũng gây chảy máu giống như kinh nguyệt, từ đó gây đau. Do đó, biểu hiện lâm sàng điển hình của lạc nội mạc tử cung là đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.

Cơn đau do lạc nội mạc tử cung thường bắt đầu trước kỳ kinh nguyệt và kéo dài sau đó, thường xuất hiện khắp vùng xương chậu và ở lưng dưới và trở nên nặng nề hơn trong những ngày "đèn đỏ". Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị chảy máu nhiều, ngày kinh dài hơn bình thường, thấy những cục máu đông trong dòng chảy kinh nguyệt.

Cảm giác khó chịu nhẹ khi có kinh có thể là bình thường nhưng phụ nữ cần lưu ý, nếu cơn đau bụng kinh khiến chị em không thể làm việc hoặc thực hiện các hoạt động hàng ngày khác là không bình thường và cần được bác sĩ phụ khoa khám.

Khó chịu khi đi tiểu hay đại tiện

Theo thời gian, các tế bào giống như tế bào lót trong tử cung sẽ chảy máu ra ngoài tử cung tạo ra sự liên kết của các cơ quan vùng chậu khác nhau, khiến các cơ quan này bị "đông cứng" tại chỗ. Điều này có thể gây đau khi người bệnh đi tiểu và đại tiện.

Mỗi lần đi tiểu hay đại tiện đều có cảm giác khó chịu, tức bụng, đặc biệt là khi có kinh nguyệt. Có máu trong phân hoặc nước tiểu, chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục.

Đau vùng chậu và chuột rút

Chuột rút và đau vùng chậu là hai triệu chứng phổ biến ở phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu cơn đau dữ dội tới mức ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hoặc buộc bạn phải nghỉ học, nghỉ làm, có thể là dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung.

Theo các nghiên cứu khoa học, hơn 60% phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cho biết họ bị đau vùng chậu dữ dội, cao gấp 13 lần so với những người không mắc bệnh này.

Một số người mô tả cơn đau lạc nội mạc tử cung của họ là cảm giác châm chích hoặc bỏng rát, trong khi những người khác định nghĩa nó là đau nhói hoặc quặn lên từng cơn. Cơn đau cũng có thể lan đến các bộ phận khác của cơ thể, như dạ dày, lưng hoặc chân.

Buồn nôn trong chu kỳ kinh nguyệt

Cơn buồn nôn có thể xảy ra do sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung bị kích thích trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nếu phụ nữ có triệu chứng buồn nôn và nôn liên tục, cần đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác.

Mệt mỏi

Người bị lạc nội mạc tử cung thường xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, stress… đặc biệt là trong những giai đoạn tiền kinh nguyệt. Cảm giác mệt mỏi như vậy cũng có thể cảnh báo rằng cơn đau sắp bùng phát và sẽ tăng lên nghiêm trọng trong khoảng thời gian có kinh.

Vô sinh - hiếm muộn

Lạc nội mạc tử cung có thể dẫn đến vô sinh do gây ra mô sẹo cũng như tổn thương và viêm ống dẫn trứng. Nghiên cứu cũng cho thấy, lạc nội mạc tử cung có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng và làm giảm số lượng trứng trong cơ thể.

Đau khi "yêu"

Triệu chứng này còn được gọi là chứng khó giao hợp, có thể là do lạc nội mạc tử cung bên dưới tử cung. Trong quá trình thâm nhập, phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể bị đau dữ dội, đôi khi không có cảm giác hưng phấn, thậm chí sẽ cảm thấy rất khó chịu khi giao hợp. Vấn đề này gây căng thẳng trong đời sống tình dục của người phụ nữ cũng như quan hệ vợ chồng.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Lạc nội mạc ở tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ phụ nữ nào có kinh nguyệt, song nó phổ biến hơn ở phụ nữ trong độ tuổi 30 – 40.

Bạn có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cao hơn nếu:

Chưa bao giờ có con

Kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày

Có chu kỳ kinh nguyệt ngắn (dưới 27 ngày)

Có tiền sử gia đình (mẹ, cô, chị, em gái) bị lạc nội mạc cổ tử cung

Đang bị một vấn đề sức khỏe ngăn chặn dòng chảy bình thường của máu kinh ra khỏi cơ thể trong kỳ kinh nguyệt.

Lạc nội mạc tử cung có nguy hiểm không?

Khoảng 40% phụ nữ khó mang thai được chẩn đoán mắc bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng tình trạng viêm do lạc nội mạc tử cung sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của noãn hoặc tinh trùng khiến chúng khó di chuyển hơn. Ngoài ra, viêm dính có thể làm tắc vòi tử cung, cản trở quá trình thụ thai.

Không chỉ vậy, tình trạng đau do lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Một số phụ nữ đau đến mức trầm cảm, lo âu, nghỉ làm, nghỉ học mỗi khi hành kinh,..phải cần đến các liệu pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú và ung thư biểu mô tuyến.

Cách phòng bệnh

Không thể ngăn ngừa lạc nội mạc tử cung tìm đến mình. Thế nhưng, có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh bằng cách giảm nồng độ hormone estrogen trong cơ thể bằng cách:

Nhờ bác sĩ tư vấn về các phương pháp ngừa thai bằng nội tiết tố, chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết.

Tập thể dục thường xuyên (tối thiểu 4 giờ/tuần) để duy trì tỷ lệ phần trăm chất béo trong cơ thể thấp. Kết hợp tập thể dục và giảm lượng chất béo sẽ giúp giảm nồng độ estrogen trong cơ thể.

Tránh uống nhiều rượu: Các nghiên cứu đã chứng minh rượu làm tăng nồng độ estrogen. Do đó, bạn không nên uống nhiều hơn 1 ly mỗi ngày.

Hạn chế thức uống chứa caffeine: Dung nạp nhiều hơn một loại đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày, đặc biệt là soda và trà xanh, có thể làm tăng nồng độ estrogen.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top