Đau bụng kinh cảnh báo nguy cơ vô sinh

Đau bụng kinh là hiện tượng phổ biến, hơn ½ phụ nữ bị từ 1-2 ngày mỗi tháng. Vì thế, nhiều người chủ quan, không nghĩ đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm.

Theo BS Chuyên khoa II Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm khám, Điều trị Sản phụ khoa và Chăm sóc Sức khỏe Sinh sản, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, những loại thuốc chống viêm không có Steroid, thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai để hạn chế tình trạng mất máu và những cơn đau bụng trong chu kỳ kinh nguyệt không chỉ gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho sức khỏe. Nó còn gây ra “hội chứng không rụng trứng”, teo dần buồng trứng... gây vô sinh.

Dấu hiệu cảnh báo bệnh lý

Bé N.H.A. (11 tuổi, Hà Nội) được gia đình đưa đi khám vì đau bụng kinh và kinh nguyệt kéo dài. Bác sĩ quan sát bên ngoài bệnh nhân không thấy gì bất thường, không sốt. Hình ảnh chụp MRI cho thấy, N.H.A. có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung, vách ngăn dọc âm đạo không hoàn toàn bên trái, ứ dịch trong lòng âm đạo bên trái. Bệnh nhân được kết luận dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục, phải phẫu thuật.

Hơn 5 năm nay, mỗi tháng đến kỳ “đèn đỏ” là nỗi kinh hoàng với H.G. (20 tuổi, Hà Nội). Cơn đau quằn quại kéo dài 3 - 4 ngày khiến H.G. nhiều lần ngất xỉu, da xanh tái. Lần này đau không chịu nổi, H.G. phải vào cấp cứu mới biết không phải bị đau bụng kinh thông thường mà do lạc nội mạc tử cung.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đau bụng do lạc nội mạc tử cung sau phẫu thuật.

Theo BS Chuyên khoa II Nguyễn Công Định, đau bụng kinh là nỗi ám ảnh đối với số đông chị em. Có người bắt đầu khoảng thời gian trước, trong hoặc sau kỳ kinh. Các dấu hiệu thường kéo dài ít nhất 3 ngày. Cơn đau thường xuất hiện khung chậu hoặc bụng dưới, có người bị âm ỉ, người thì đau dữ dội, khiến sắc mặt tái, chân tay lạnh. Thậm chí, nhiều người đau quằn quại, hôn mê.

Nhiều yếu tố dẫn đến việc chị em đau bụng kinh như: Ít vận động, ngồi một chỗ quá nhiều hoặc vận động mạnh, cổ tử cung hẹp, ăn uống sinh hoạt không hợp lý trong kỳ kinh (uống ít nước, ăn nhiều đồ lạnh, đồ có tính hàn, không giữ ấm bụng… ); đặt vòng, do nội tiết, do tử cung co thắt không bình thường...

Đặc biệt, những bất thường ở tử cung như tử cung phát triển không tốt, vị trí của tử cung không bình thường, tử cung lùi về phía sau hoặc quá ngả về phía trước cũng sẽ ảnh hưởng sự lưu thông của máu kinh…

Ngoài ra, đau bụng kinh còn có thể bắt nguồn từ một số bệnh phụ khoa như: Lạc nội mạc tử cung, vị trí nội mạc tử cung không bình thường, viêm vùng chậu, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung…

Đau bụng kinh là nỗi ám ảnh đối với số đông chị em. Ảnh minh hoạ.

ThS.BS Trần Thị Thanh Thảo, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cảnh báo, chị em không nên coi thường hiện tượng đau bụng kinh.

Theo Hiệp hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), hơn ½ phụ nữ bị đau bụng kinh từ 1-2 ngày mỗi tháng. Bệnh có thể gặp ở phụ nữ mọi lứa tuổi, nhất là tuổi dậy thì dưới 20 tuổi (gặp ở 60%) và phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ. Đau bụng kinh được phân thành hai loại là nguyên phát (đau thông thường) và thứ phát (đau bệnh lý).

Đau bụng kinh nguyên phát là những cơn đau mang tính lặp đi lặp lại vào mỗi chu kỳ kinh, không do bệnh lý. Cơn đau thường bắt đầu khoảng 1-2 ngày trước kỳ kinh hoặc khi bắt đầu có kinh. Cơn đau kéo dài từ 24-48 giờ và giảm dần, có thể đi kèm triệu chứng khác như đau mức độ nhẹ đến dữ dội ở vùng bụng dưới, lưng hoặc đùi; hoặc cảm thấy buồn nôn và nôn, mệt mỏi, thậm chí tiêu chảy. Đau sẽ giảm dần khi phụ nữ già đi hoặc có thể chấm dứt hoàn toàn sau sinh con.

Đau bụng kinh thứ phát là những cơn đau liên quan bệnh lý rối loạn hoặc nhiễm trùng ở cơ quan sinh sản nữ, chẳng hạn u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, lạc tuyến tử cung… Cơn đau này thường bắt đầu sớm hơn trong chu kỳ kinh và kéo dài hơn so với thông thường. Triệu chứng thường buồn nôn, nôn, mệt mỏi hoặc tiêu chảy.

Điều đáng nói, rất khó phân biệt rõ ràng hai loại đau này. Người bị đau bụng kinh nguyên phát sau nhiều năm, cơ quan sinh dục sẽ có thay đổi, khiến hiện tượng đau bụng kinh ngày càng nặng…, khi đó rất khó để phán đoán.

Có trường hợp được chẩn đoán là đau nguyên phát, nhưng thực tế bị mắc chứng lạc nội mạc tử cung ở mức nhẹ. Kiểm tra soi ổ bụng mới phát hiện được là bị đau bụng kinh thứ phát....

Vì vậy, nếu bị đau bụng thường xuyên, bạn nên đến bác sĩ phụ khoa khám, nghe tư vấn để có phương hướng điều trị sớm, tránh hậu quả xấu.

Cẩn thận vô sinh vì dùng thuốc

BS Chuyên khoa II Nguyễn Công Định cho hay, khi bị đau bụng kinh, chị em thường sử dụng những loại thuốc chống viêm không có Steroid, thuốc giảm đau hay thuốc tránh thai... Cần lưu ý thuốc giảm đau có ưu điểm là cắt cơn đau nhanh, nhưng dùng lâu dài có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm như: Viêm loét dạ dày tá tràng, biến chứng thủng dạ dày ở người bị viêm loét dạ dày, viêm gan, viêm thận kẽ, hoại tử thận, cơn hen giả, kéo dài thời gian chảy máu, thậm chí nhồi máu cơ tim...

Hơn nữa, người uống thuốc thường xuyên có thể bị “hội chứng không rụng trứng”, mặc dù vẫn có chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Đây là một trong những nguyên nhân gây vô sinh.

Trường hợp chị em sử dụng thuốc tránh thai để giảm đau bụng kinh, dù có hiệu quả rõ rệt, cộng với tác dụng tránh thai, điều hòa kinh nguyệt, nhưng nếu kéo dài liên tục sẽ khiến buồng trứng bị ức chế quá lâu, không có hiện tượng rụng trứng, tuyến yên không có nội tiết để làm cho buồng trứng hoạt động. Điều này dẫn đến hàng loạt bệnh phụ khoa như rối loạn nội tiết. Nghiêm trọng hơn cả là tình trạng buồng trứng bị teo dần dễ dẫn đến vô sinh.

Hơn nữa, đây cũng không phải cách “triệt” đau bụng kinh vĩnh viễn, mà chỉ có tác dụng ngăn chặn tức thời cơn đau. Chị em không nên tự mua thuốc về uống, hãy để bác sĩ sản khoa khám, tư vấn và kê đơn thuốc.

Cách giảm đau bụng kinh tự nhiên:

- Luôn giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là vùng bụng. Có thể dùng nước ấm để chườm bụng dưới cho bớt đau.

- Tránh vận động mạnh, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý.

- Uống nhiều nước lọc.

- Hạn chế đồ uống có cồn hoặc chất kích thích.

- Kiêng đồ ăn lạnh cay trong kỳ hành kinh…

- Ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý.

Trong kỳ kinh nguyệt, chị em cần chú ý duy trì chế độ ăn uống thanh đạm, ít dầu mỡ và giàu chất xơ. Ngoài ra, nên bổ sung thực phẩm có chứa vitamin E, B1, B6, magie, kẽm và axit béo omega 3, là các thành phần giúp giảm thiểu hormone gây đau bụng kinh hay làm dịu đi sự căng cơ và chứng sưng viêm.

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top