Cẩn trọng khi lựa chọn phương pháp điều trị sỏi thận

(khoahocdoisong.vn) - Theo GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, giảng viên Cao cấp Bộ môn Tiết niệu học, Đại học Y Dược TPHCM, Tổng Thư ký Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, nếu không biết sử dụng, phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm hại nhất cũng có thể thành xâm hại, gây nguy hiểm cho người bệnh.
Sỏi đường tiết niệu và sỏi thận vô cùng đa dạng. (Ảnh minh họa)

Sỏi đường tiết niệu và sỏi thận vô cùng đa dạng. (Ảnh minh họa)

Các loại sỏi thận thường gặp

Theo GS.TS.BS Trần Ngọc Sinh, sỏi đường tiết niệu và sỏi thận vô cùng đa dạng vì chúng ta ăn đủ thứ chất, tất cả đều thải qua đường tiểu. Sỏi canxi hay gặp nhiều nhất tại Việt Nam, đặc biệt là sỏi oxalate canxi. Ngoài ra, còn có sỏi thận photphat, magie, một số sỏi có chất tạp khác như sắt…

Sỏi còn được phân chia theo vị trí trong hệ thống tiết niệu có sỏi đài thận, sỏi bể thận. Nếu các viên sỏi trên thận kết chặt lại một khối theo hình dáng đài thận và bể thận, người ta gọi là sỏi san hô, loại sỏi khó giải quyết nhất. Nếu sỏi di chuyển từ thận xuống niệu quản gọi là sỏi niệu quản, xuống bàng quang gọi sỏi bàng quang, sỏi tuyến tiền liệt, sỏi niệu đạo…

Sỏi còn hình thành do nhiễm khuẩn, do rối loạn chuyển hóa của cơ thể. Không chuyển hóa hết chất đường do khiếm khuyết về gene, chất oxalate tăng cao. Những người bị tăng axit uric nên trong nước tiểu có sỏi dạng urat…

Theo phân loại chụp X-quang, phân loại sỏi có cản quang và không cản quang: 

Khi nào chọn phương pháp tán sỏi qua da?

Trong hệ thống tiết niệu, ống có đường kính nhỏ nhất nằm ở niệu quản, từ 5 - 7mm, nên sỏi nhỏ dưới 5mm có thể dễ tống xuất ra ngoài. Với những viên sỏi nhỏ, có thể dùng thuốc giúp bào mòn sỏi, dễ tống xuất ra ngoài qua đường tự nhiên.

Tuy nhiên, khi sỏi lớn được tống xuất ra ngoài qua đường tiểu dưới có thể gây ra những cơn đau, đái ra máu, thậm chí viên sỏi kẹt trong đường tiểu dẫn đến bí tiểu…

Hiện chúng ta có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận. (Ảnh minh họa)

Hiện chúng ta có nhiều phương pháp điều trị sỏi thận. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, có nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa, đặc biệt là các phương pháp can thiệp ít xâm hại.

Tán sỏi ngoài cơ thể

Từ những năm 80, người ta đã dùng sóng xung động làm vỡ cấu trúc của sỏi thận và sỏi niệu quản dưới 1,5 - 2cm. Tuy nhiên, cũng có thể gặp những trường hợp viên sỏi quá cứng, kích thước lớn vỡ thành 5, 6 viên sỏi nhỏ, có nhiều gai nhọn găm chặt vào thận.

Hoặc do độ tập trung của thiết bị không chính xác, có thể gây tổn thương thận. Nên có trường hợp, sau khi tán sỏi, bệnh nhân đái ra máu, thậm chí bị vỡ những mô thận nhỏ… Từ đầu thế kỷ 21, khảo sát những ca tán sỏi ngoài cơ thể sau 5 - 10 năm cho thấy có những tổn thương vi cấu trúc gây xơ hóa thận. Do đó, người ta khuyến cáo không nên tán sỏi ngoài cơ thể quá nhiều lần, tốt nhất không nên làm lần thứ hai.

Phương pháp này chống chỉ định với người dễ chảy máu, rối loạn đông máu; người đang uống thuốc kháng đông, nhất là bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý tim mạch; viên sỏi nhiễm khuẩn...

Tán sỏi qua da tiêu chuẩn

Phương pháp này áp dụng cho những sỏi lớn ngoài khả năng của tán sỏi ngoài cơ thể, lớn hơn 2,5 - 3cm trở lên hoặc trong thận có nhiều sỏi. Một số ít chỉ định cho sỏi ở vị trí niệu quản trên.

Nguyên tắc điều trị là định vị viên sỏi, chọc một cây kim xuyên qua nhu mô thận đi thẳng vào viên sỏi sau đó nong ra một đường ống có đường kính 1cm, dùng sóng xung động, tia laser hoặc sóng siêu âm để tán vụn sỏi và hút mảnh vụn qua đường ống.

Phương pháp này chỉ được xem ít xâm hại so với mổ mở, nhưng vẫn có những tổn thương nhất định, như gây tổn thương thận và có tỷ lệ 5 - 6% gây chảy máu sau mổ. Những trường hợp chống chỉ định như bị rối loạn đông máu; nhiễm khuẩn đường tiết niệu...

Hiện nay, người ta đã cải tiến các đường hầm nhỏ hơn từ 6 - 7mm, thậm chí 5mm, nhưng vẫn có tỷ lệ biến chứng rất nhỏ tồn tại. 

Điều trị sỏi thận còn có một số phương pháp khác như tán sỏi nội soi ngược chiều trong các trường hợp sỏi niệu đạo, sỏi nhỏ bàng quang, sỏi niệu quản (với sỏi ở niệu quản trên, phương pháp này có thể khiến sỏi chạy sâu vào thận) còn với sỏi đài thận, đặc biệt là đài thận dưới khó tán được. Biến chứng có thể gặp là thủng niệu đạo - niệu quản - bàng quang - thận hay những cơ quan lân cận hoặc bụng; có thể gây đứt niệu quản.

Mổ mở vẫn được chỉ định cho khoảng 10% trong tổng số can thiệp mổ sỏi, khi những cục sỏi quá phức tạp như sỏi san hô, hoặc trong những trường hợp các kỹ thuật can thiệp trên thất bại, sỏi kết hợp với dị dạng đường tiết niệu, và sỏi nhiễm khuẩn.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top