Hỏi: Tôi hay nghe người ta nói mắc sỏi thận rồi cả sỏi tiết niệu nữa, hai loại sỏi này có gì khác nhau?
Hồng Hà (Trương Định, Hà Nội)
PGS.TS.BS Trần Đình Ngạn, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103: Sỏi thận, sỏi tiết niệu là bệnh rất phổ biến trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam. Theo thống kê, tỷ lệ điều trị bệnh sỏi tiết niệu (sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo) tại khoa thận – tiết niệu chiếm trên 40%. Sỏi tiết niệu là các cặn được bài tiết từ thận mà chủ yếu là các chất khoáng và một số cystine kết tinh với nhau và lớn dần tạo thành sỏi với nhiều kích thước. Các loại sỏi được chia theo vị trí và cấu trúc thành phần sỏi. Theo vị trí, có 4 loại sỏi là sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo. Theo cấu trúc, thành phần có sỏi vô cơ (sỏi canxi chiếm trên 80%), sỏi hữu cơ (sỏi acid uric, sỏi cystine, sỏi struvite).