Cẩn thận mờ mắt vì viêm xoang sàng sau

(khoahocdoisong.vn) - Viêm xoang sau gây nhức đầu ở vùng gáy, đỉnh, dễ đưa tới các biến chứng đường hô hấp dưới và viêm thần kinh mắt. Điều trị viêm xoang sau không khó khăn nhưng đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Biến chứng viêm khí phế quản, hen

Theo các chuyên gia, trong hệ thống cấu trúc xoang của con người, xoang sàng là xoang phát triển sớm nhất. Nó xuất hiện cùng lúc với cơ thể con người được sinh ra. Theo cấu tạo, chúng được ngăn cách với vùng ổ mắt bởi một phiến xương. Phiến xương này rất mỏng nên được gọi là xương giấy, đây cũng là lí do khi xoang sàng bị viêm, nó dễ dàng xâm nhập qua lớp xương này để tấn công đến hốc mắt.

Viêm xoang sàng sau là do bị viêm nhiễm các xoang gần mũi, mắt. Xương sàng nằm ngay giữa mặt và 2 mắt ở dưới trán của não bộ, trên hốc mũi, do đó khi bị viêm xoang sàng sau sẽ có các triệu chứng đau đầu hai bên thái dương; đau hai bên khóe mắt (phía mũi); nhức đầu, phía dưới trán; đờm, dịch chảy trong họng, phía sau, làm ho; nóng sốt. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, nguyên Viện trưởng Viện Tai mũi họng TƯ, do các xoang sau nằm sâu trong phía hốc mũi, sau mặt nên các triệu chứng thường âm ỉ, không rõ như các xoang trước.

Triệu chứng điển hình nhất của viêm xoang sàng sau là người bệnh nhức đầu, đau âm ỉ ở vùng sau gáy hay vùng đỉnh, chẩm. Do các lỗ thông xoang sau với mũi ở phía sau nên mủ không chảy ra mũi mà chảy xuống họng. Với viêm xoang sau thường có mủ nhầy, đặc, có mùi hôi, dính ở vòm họng, thường phải khịt, khạc mủ mới xuống được cổ họng nên người bệnh luôn có cảm giác vướng, khó chịu ở họng.

Viêm xoang sàng sau dễ dẫn tới viêm họng, viêm thanh quản mạn, hạt xơ dây thanh ở người đã viêm xoang sàng sau lại hay nói nhiều. Với người cao tuổi dễ đưa tới viêm khí – phế quản mạn, lâu ngày thành viêm giãn phế quản với ho kéo dài, khạc đờm nhiều, có mủ, nhất là về đêm. Với trẻ em, viêm xoang sàng sau dễ dẫn tới hen. Biến chứng nghiêm trọng khác, do vị trí của của xoang sàng là nằm sát và bao quanh các dây thần kinh mắt, nên tác động trực tiếp đến mắt, khiến cho bệnh nhân bị giảm thị lực hoặc mờ mắt tạm thời. Nếu viêm xoang sàng lâu ngày, người bệnh có thể mất sức nhìn do viêm thị thần kinh.

Phòng và điều trị viêm xoang sàng

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Dinh, viêm xoang sàng nói chung, khi điều trị, bác sĩ phải sử dụng một số loại kháng sinh nếu bệnh ở giai đoạn đầu. Với các trường hợp nặng, ngoài kháng sinh người bệnh cần sử dụng thêm một số loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng khác theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra bệnh nhân có thể sử dụng thêm các thuốc làm loãng dịch tiết giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần ăn uống đủ chất, cân bằng, nghỉ ngơi, tập luyện điều độ để cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt, chống lại các viêm nhiễm. Nên uống nhiều nước để rửa sạch các chất nhầy, làm thông thoáng đường thở. Có thể xông mũi bằng tinh dầu, chườm ấm bằng khăn nóng quanh mũi, mắt, đầu để giảm đau nhức và giúp chất nhầy dễ thoát hơn. Hằng ngày có thể súc miệng nước muối hoặc dung dịch lá chanh khô. Đun sôi lá chanh khô với nước rồi dùng dung dịch này súc miệng sẽ cho cảm giác dễ chịu.

Còn theo cách nhân dân hay dùng là lấy cây hoa ngũ sắc rửa sạch, để ráo, giã nát, vắt lấy nước cốt, dùng bông thấm nước rồi nhét bông này vào mũi. Để từng bên khoảng 15 phút, bông thuốc sẽ giúp hút dịch mủ trong xoang mũi ra ngoài. Khi dịch mủ chảy ra nên xì nhẹ để dịch mủ thoát hết ra. Cách chữa này cần kiên trì, thời gian khỏi bệnh từ từ nhưng khả năng tái phát bệnh sẽ lâu hơn.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top